Theo các nhà quản lý ngành Du lịch, đại diện đến từ các trường đào tạo chuyên ngành y dược tại Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch trị liệu, tìm về chốn hoang sơ để chữa lành tự nhiên đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Cùng với đó, cuộc chạy trốn tiếng ồn đô thị cũng được đặt ra cho các nhà phát triển sản phẩm du lịch trị liệu trên toàn thế giới.
Con người hiện đại đang phải đối diện với 3 vấn đề ô nhiễm thường gặp trong cuộc sống: ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm không khí và ô nhiễm ánh sáng. Ô nhiễm âm thanh hay tác hại của tiếng ồn có vẻ ít được nhắc tới trong các hình thái du lịch trị liệu. Nhưng theo một báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 2011 thì ô nhiễm tiếng ồn đã bị coi là “bệnh dịch hạch thời hiện đại”. Có nhiều bằng chứng cho thấy, khi con người tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn quá nhiều sẽ gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe: căng thẳng thần kinh, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tâm lý,...
Theo một nghiên cứu sức khỏe được đăng trên Tạp chí Heart đã chỉ ra rằng với hai phút yên tĩnh có thể giúp bạn thoải mái hơn so với việc nghe nhạc để thư giãn. Ngoài ra, sự tĩnh lặng còn giúp bạn gia tăng khả năng ghi nhớ tốt hơn.
Trở về trong thiên nhiên, cùng lúc con người rời xa ba tác nhân ô nhiễm: không khí, ánh sáng và tiếng ồn và tự nó đã giúp du khách chữa lành. Khi thoát khỏi những âm thanh của cuộc sống thường nhật, du khách sẽ nghe được những thanh âm của tự nhiên: tiếng chim hót, sóng vỗ, gió rừng hoặc tiếng cười tự nhiên thoải mái của người dân thôn dã – Đó là điểm chạm kết nối đánh thức bản ngã của con người, đồng thời là kết quả của cuộc trị liệu tiếng ồn mà ông Kiên Lê, Tổng Giám đốc Panhou Retreat và Whale Island Resort gọi là “Cuộc chạy trốn tiếng ồn”.
Du lịch trị liệu được định nghĩa là các ngành cho phép người tiêu dùng kết hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe và lối sống vào cuộc sống hằng ngày của họ bao gồm 10 lĩnh vực đa dạng. Khai thác các khía cạnh còn bỏ ngỏ với sự kết hợp với các ngành chăm sóc sức khỏe, vận dụng các bài thuốc Nam, những kinh nghiệm dân gian cổ xưa của người Việt góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, ông Kiên Lê, cho biết, các sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam hiện nay nghèo nàn và chưa hấp dẫn, thu hút khách trở lại. Vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm này để nắm bắt xu hướng phát triển du lịch trị liệu trên thế giới.
Khi xây dựng sản phẩm du lịch trị liệu, các đơn vị cần cần đề cao tính “ngắt kết nối” với công nghệ, quan tâm đến mật độ xây dựng thưa và sử dụng vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường như gỗ, đá, tre từ địa phương để con người có thể trở về với thiên nhiên và cân bằng được cảm xúc, từng bước chữa lành được các tổn thương, áp lực từ cuộc sống hiên đại xung quanh.
Ông Kiên Lê, cho rằng, các khu nghỉ dưỡng ở nơi rừng xanh và biển vắng là điều kiện lý tưởng để xây dựng các sản phẩm du lịch trị liệu. Theo đó, việc sử dụng 100% vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường như gỗ, đá, tre từ địa phương; tạo các trải nghiệm nội khu và xung quanh hướng tới chăm sóc sức khỏe như tắm lá Dao đỏ, massage trị liệu, tắm khoáng nóng, làm vườn, nấu ăn, tương tác với người dân bản địa... là những tiêu chí cấu thành một sản phẩm du lịch trị liệu hoàn hảo. Các yếu tố nền tảng đó sẽ tạo ra những trải nghiệm du lịch có giá trị đi cùng với việc bảo vệ tự nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa và thực hiện phát triển bền vững.
“Sắp tới, chúng ta cần tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ra quốc tế thông qua đẩy mạnh quảng cáo và truyền thông cũng như qua nhiều hình thức ngoại giao - văn hóa - thể thao - kinh tế. Các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch trị liệu đặc trưng riêng dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có và văn hóa địa phương giàu có của Việt Nam hiện nay để có thể bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển ngành du lịch bền vững”, ông Kiên Lê cho biết.