Đây là vụ đầu tiên huyện Bát Xát triển khai cánh đồng 1 giống - lúa Séng cù tại xã Mường Vi sau khi phục tráng thành công giống lúa đặc sản này. Mô hình được triển khai trên diện tích 165 ha, với sự tham gia của 481 hộ.
Dẫn chúng tôi đi thăm những ruộng lúa trĩu bông đang vào mùa thu hoạch, chị Tẩn Thị Mẩy, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát, phụ trách xã Mường Vi thông tin: Thực hiện mô hình cánh đồng 1 giống - lúa Séng cù, chúng tôi hướng dẫn người dân áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật trên cả cánh đồng ngay từ đầu vụ, như cấy tập trung, bón phân cùng thời điểm, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện cấy theo phương pháp cải tiến SRI… Nhờ đó, lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, tỷ lệ rảnh hữu hiệu cao, trổ bông tập trung trên cùng cánh đồng.
Ngoài ra, việc áp dụng cánh đồng 1 giống giúp kiểm soát tốt sinh vật gây hại, thời gian sinh vật gây hại xuất hiện muộn và theo lứa tập trung, nên triển khai phun trừ được đồng loạt, hiệu quả phòng trừ cao hơn; nông dân được hướng dẫn các biện pháp, lưu ý trong quá trình thu hoạch đảm bảo yêu cầu của đơn vị thu mua. Nhờ đó, năng suất lúa vụ này ước đạt 6 tấn/ha, cao hơn 3 - 4 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước, thóc tươi được bán với giá 12.000/kg ngay tại ruộng (cao hơn 3.000 đồng/kg so với vụ trước).
"Vụ này lúa được mùa, được giá. Có được kết quả này là nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông từ khi làm đất, gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc lúa. Những năm trước, thời kỳ lúa con gái thường bị bệnh nghẹt rễ, đến kỳ trổ bông lại bị rầy nâu gây hại, năm nay nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên đã khắc phục được tình trạng sâu bệnh gây hại, lúa phát triển tốt, bông to, hạt mẩy".
- Ông Nguyễn Văn Lưu, thôn Lâm Tiến
Tại xã Nậm Pung, sau khi tham gia lớp tập huấn trồng và chăm sóc lê theo hướng hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức, các hộ đã nắm được kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, vin cành, tỉa quả, bọc quả... để quả phát triển đồng đều, mẫu mã đẹp... Hiện xã Nậm Pung có 52 ha lê, sản phẩm quả lê của xã đã có thương hiệu, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho hơn 6.300 lượt người về cắt tỉa, vin cành lê, chăm sóc lê trồng mới; chăm sóc và phòng, trừ sâu, bệnh hại chè mới trồng, chè kinh doanh; trồng, chăm sóc hoàng sin cô, đao riềng, chuối; tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn bền vững; cách phát hiện các đối tượng sâu, bệnh hại và phun thuốc phòng, trừ đối với một số sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên cây lúa... Hình thức hướng dẫn rất phong phú, như trực tiếp trên đồng ruộng, tư vấn qua điện thoại, tới trực tiếp từng hộ...
Trung tâm còn chủ động làm việc với UBND các xã, thị trấn về cung ứng các loại giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất; phối hợp tuyên truyền về mục tiêu, hiệu quả của các nghị quyết, đề án trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, chăn nuôi an toàn sinh học tại các xã trong vùng triển khai dự án, như dự án liên kết phát triển vùng sản xuất cây ăn quả; liên kết sản xuất phát triển vùng chè theo hướng hữu cơ; liên kết trồng cây hoàng sin cô theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng sản phẩm OCOP…
Ông Sí Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát cho biết: Từ nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được trung tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, các mô hình sản xuất điển hình được chuyển tải, giới thiệu đến người dân kịp thời đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển. Trên địa bàn đã hình thành và mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như chè (329 ha), dược liệu (263 ha), chuối (600 ha), dứa (62 ha), quế (3.360 ha), hoàng sin cô (105 ha), cây ăn quả ôn đới (447 ha), rau an toàn (56 ha)... Bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 80 triệu đồng/ha/năm.