LCĐT - Thực hiện Nghị định số 105 ngày 8/9/2020 của Chính phủ, hệ thống cơ sở vật chất mầm non trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên và trẻ mầm non được đảm bảo, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Một chính sách nhân văn
Trường Mầm non Tả Giàng Phình (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) có 7 điểm trường với gần 500 học sinh từ 2 tuổi đến 5 tuổi. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngũ Chỉ Sơn là xã vùng III của thị xã Sa Pa. Nơi đây có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất canh tác ít, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Trước đây, việc vận động trẻ ra lớp luôn là bài toán nan giải đối với nhà trường. Từ khi Nghị định số 105 ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non được ban hành, nhà trường đã bám sát nghị định và hướng dẫn phụ huynh, giáo viên thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quyền lợi cho trẻ, tạo điều kiện để trẻ vùng khó khăn được đến lớp và ăn bán trú. Từ đó, tỷ lệ ra lớp các năm đều tăng, đạt hơn 95%. Nhà trường còn có 21 giáo viên tại các điểm trường lẻ được hưởng mức hỗ trợ 450 nghìn đồng/người/tháng. Đây là nguồn động viên giúp giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp, ổn định dạy học.
Học sinh Trường Mầm non Tả Giàng Phình, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa được hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định 105. |
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nhạn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, sự học của trẻ em địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là việc huy động trẻ ra lớp ở bậc mầm non, tuy nhiên đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 105, trong đó có nội dung về hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ bậc mẫu giáo thì công tác giáo dục và đào tạo của thị xã có nhiều khởi sắc. Năm học 2021 - 2022, thị xã có 5.375 trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa; 417 giáo viên mầm non hưởng chính sách hỗ trợ dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, quy mô giáo dục mầm non được củng cố, ổn định và phát triển. Hiện nay, phòng học và các phòng chức năng ở các cơ sở giáo dục mầm non được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Nhiều trường được xây dựng khang trang, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp như các trường mầm non: Thanh Kim, Hầu Thào, Nậm Sài, Hàm Rồng, Ô Quý Hồ, Tả Giàng Phình…
Thực hiện Nghị định số 105 của Chính phủ, Lào Cai đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đối với giáo dục mầm non và chính sách hỗ trợ đối với giáo dục vùng cao. Đặc biệt, các chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, hỗ trợ giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt, lớp ghép, chi phí học tập… được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 29.808 trẻ được hỗ trợ ăn trưa với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh còn ban hành và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với nhóm trẻ 24 - 36 tháng tuổi theo Nghị quyết 29/2020 của HĐND tỉnh với mức hỗ trợ 160 nghìn đồng/trẻ/tháng. Hiện có 11.406 lượt trẻ được hưởng chính sách và tổng số tiền đã chi trả là 11,7 tỷ đồng. Cùng với đó, 117 trường mầm non ở các xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ nấu ăn với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 3.290 giáo viên được hưởng chính sách dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số với tổng số tiền đã chi trả là 13,7 tỷ đồng.
Cần thêm nhiều nguồn lực
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 105 của Chính phủ, dù đạt nhiều kết quả nhưng Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, nên nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non từ ngân sách còn hạn chế, nhất là sau đại dịch Covid-19. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho giáo dục mầm non chưa nhiều vì thu nhập của người dân chưa cao.
Bên cạnh đó, những khó khăn do thiếu biên chế giáo viên mầm non và mạng lưới nhân viên y tế, cơ sở vật chất, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường chưa đáp ứng nhu cầu thực tế… tạo nhiều rào cản trong việc thực hiện các chính sách của Nghị định số 105 cũng như phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn.
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Nghị định số 105 là chính sách nhân văn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm của cả xã hội đối với cấp học mầm non. Tuy nhiên, theo các quy định về đối tượng thụ hưởng trong nghị định thì chính sách hỗ trợ này chỉ dành cho trẻ mẫu giáo 36 - 72 tháng tuổi, còn đối với nhóm trẻ dưới 3 tuổi thì vẫn chưa phải đối tượng thụ hưởng chính sách. Cùng với đó, một số trường có trẻ học trái tuyến hoặc học sinh ở thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực I và hộ nghèo nhưng do trường không đặt tại thôn, xã đặc biệt khó khăn nên không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ kinh phí nấu ăn.
Nguồn ngân sách hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là vùng khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh về quy mô và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, chế độ dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số còn thấp. Đặc biệt là thiếu ngân sách hỗ trợ chi trả cho giáo viên dạy thay, làm việc vượt quá thời gian quy định.
Trước những khó khăn trên, Lào Cai đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ hoặc trợ cấp theo giai đoạn đối với đội ngũ nhà giáo bị ảnh hưởng trực tiếp theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế việc giáo viên xin thôi việc và chuyển khỏi ngành. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho mỗi trẻ từ 160 nghìn đồng/tháng lên 220 nghìn đồng/tháng...