Thôn Mường Bát có 147 hộ, 540 nhân khẩu, trong đó đồng bào Tày chiếm gần 70%. Chỉ cách đây hơn 5 năm, Mường Bát là thôn rất khó khăn của xã Thống Nhất về đường giao thông nông thôn, đa phần là đường rải cấp phối đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hải Đường, Bí thư Chi bộ thôn Mường Bát cho biết: Thôn chỉ cách Quốc lộ 4E gần 3 km, rất gần trung tâm xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) và cũng chỉ cách nút giao IC17 - Xuân Giao (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) gần 5 km. Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển như vậy nhưng đời sống của người dân lại rất khó khăn, hộ nghèo bao phủ toàn thôn.
Vì vậy, khi có chủ trương đầu tư mở rộng, đổ bê tông tuyến đường liên thôn Mường Bát - Cắp Kẹ và đường trục thôn Van Du dài hơn 4 km, tất cả các hộ sinh sống dọc 2 tuyến đường này đều đồng thuận cao, tham gia hiến hơn 8.500 m2 đất và tự nguyện phá bỏ hàng rào, chặt cây cối để những tuyến đường được rộng mở. Bí thư Chi bộ Nguyễn Hải Đường khẳng định: Đường giao thông được đầu tư chính là chìa khóa để tháo nút thắt, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Kể từ khi tuyến đường đưa vào sử dụng, người dân Mường Bát ngày càng quan tâm đầu tư phát triển sản xuất theo nhiều hướng mới. Từ một vài hộ trồng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đến nay Mường Bát trở thành “thủ phủ” trồng lạc của thành phố Lào Cai với tổng diện tích hơn 3 ha. Có thể kể đến gia đình bà Ngô Thị Chiêng đã chuyển đổi hơn 2 sào đất trồng lúa sang trồng lạc. Đang tích cực chăm sóc cây lạc vụ thứ 2, bà Chiêng cho biết vụ đầu gia đình thu lãi 8 triệu đồng. Còn gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng mạnh dạn trồng 9 sào cây lạc đỏ, vụ đầu cho thu hoạch gần 2 tấn, thu hơn 30 triệu đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thời gian trồng lạc ngắn so với cây ngô. Mặt khác, trồng lạc được nhiều vụ và công sức bỏ ra không vất vả như một số cây trồng khác.
Không chỉ mở rộng diện tích trồng lạc, thời gian qua, 15 hộ ở thôn Mường Bát còn phát triển trồng rừng với quy mô gần 20 ha; 10 hộ theo hướng chăn nuôi đại gia súc (chủ yếu là nuôi trâu, bò, dê) với tổng đàn gần 200 con. Năm nay, thôn có 6 hộ chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng 1.000 cây na dai. Các hộ trồng đã được tập huấn kỹ thuật và học tập kinh nghiệm tại một số vùng trồng na lớn trong tỉnh và tỉnh Lạng Sơn.
Một trong những thay đổi lớn nhất mà Bí thư Chi bộ Nguyễn Hải Đường nhấn mạnh là người dân ngày càng quan tâm sản xuất vụ đông, không để lãng phí đất đai như trước. Một số hộ còn đầu tư làm nhà lưới, cột giàn bê tông để trồng rau, quả các loại. Nhiều hộ phát triển vụ đông không chỉ với mục đích phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình mà còn hướng tới kinh doanh hàng hóa. Đã có một số thương lái đến thôn đặt hàng nông sản chở đi bán tại các chợ đầu mối ở tỉnh Lai Châu, Điện Biên và một số tỉnh miền xuôi.
Sản xuất ngày càng phát triển, đời sống người dân thôn Mường Bát không ngừng nâng lên. Từ tỷ lệ 60% hộ nghèo trong năm 2020, đến nay thôn giảm còn 3%. Hộ khá, giàu chiếm 40% và hơn 80% hộ trong thôn có nhà xây kiên cố.
Đi trên con đường bê tông vào trung tâm thôn Mường Bát hôm nay, đường sá sạch sẽ, phong quang. Hai bên đường, người dân trồng đan xen nhiều loài hoa, trồng cây xanh tạo bóng mát. Ngước nhìn lên cao, dàn cột đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt theo các trục đường thôn, sáng lung linh vào mỗi đêm.
Chứng kiến làng quê thay đổi từng ngày, Bí thư Chi bộ Nguyễn Hải Đường và các đảng viên phấn khởi, tự hào: Không chỉ đời sống vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng ngày càng nâng lên. Từ năm 2023, thôn thành lập Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày và thường xuyên sinh hoạt, giao lưu nghệ thuật quần chúng ở nhiều nơi trong tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thôn Mường Bát tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới việc xây dựng thôn nông thôn mới nâng cao...