![]() |
LCĐT - Già lão rồi, ít khi ra ngoài. Đận ấy bà lão vắng nhà. Mì tôm hết. Bánh đa nhẵn. Cơm nguội thiu. Bảy giờ rưỡi, tôi cố chống gậy túc tắc đến quán phở cách nhà vài trăm mét.
- Lâu lắm ông không ăn phở rồi, bây giờ bao nhiêu một bát, hở cháu? - Tôi hỏi cô chủ quán.
- Dạ, mời ông! Chỉ có ba mươi lăm ca (35k) thôi ạ!
“Hả? Ba mươi lăm ca, là bao nhiêu nhỉ?”. Tôi ngồi xuống bàn, đưa mắt liếc nhìn xung quanh để tìm hiểu xem, “ba mươi lăm ca” nghĩa là gì. Lát sau, người làm quán phở bưng đến cho tôi một bát, kèm theo một rá con rau sống, gồm húng xoăn, húng lợn, còn gọi là húng Láng. Gọi húng lợn vì món rau này thường ăn với tiết canh lợn. Gọi húng Láng, là ở Hà Nội xưa người ta trồng ở làng Láng, răm, diếp, xà lách, dấp cá, loáng thoáng vài lá má, vài lá mơ lông, kinh giới, tía tô, mùi tàu, mùi ta và mùi tía, lá lốt, lá tỏi, lá hành, hoa chuối và nõn chuối thái mỏng. Nói về phở thì hiện thời Hà Nội thua xa, nhá, dù có đeo theo những cái danh như “Phở Lý Quốc Sư”, “Phở bò Nam Định”... Cũ rích rồi! Lào Cai tớ á, chỉ một bát phở với một rá rau sống, kèm theo đó, đủ lọ, bát gia vị ớt tương, ớt tỏi, hạt tiêu, thảo quả nướng nghiền bột, lại còn thêm ớt khô nghiền xào dầu ô liu hoặc xào với mỡ gà đặc trưng. Lào Cai còn có “phở chặt”, “phở cồ” gì gì đó nữa nhá! Biết không? Một bát phở nêm thêm một, hai cục móng giò lợn hoặc vài miếng đùi gà. Chứ phở bò, bò tái, gà xé, tim cật... cũ mèm rồi! Ngoài phở ra, Lào Cai chúng tớ còn có... gì nhỉ? À, cuốn sủi, mì vằn thắn, thắng cố mì tôm, sủi cảo, phở chua... nữa. Mà các nhà ẩm thực dân gian Lào Cai còn cải tiến thái sợi phở to hơn bình thường; làm phở bằng loại lúa đỏ truyền thống, sợi phở dai hơn. Ăn thế mới là ăn chứ!...
Lại nhớ có lần bảo đi ăn phở Bắc Hà gặp anh bạn quen, tay cầm ché đến mời:
- Úi giời, lâu lắm mới lại gặp bác. Bắc Hà chính hãng đây! Phở Lào Cai mình còn phải có cái này nữa, mới là ăn sáng. Đúng không, bác! Là vì ăn sáng chưa xong thì đã đến bữa trưa; bữa trưa xong thì lại bữa tối. Lào Cai mình là thế!
- Ờ ờ... mời chú ngồi! - Tôi ghé miệng vào tai anh bạn nói cho đủ nghe, vì quán quá ồn ào.
- Tôi hỏi thế này khí không phải, chú thử giải nghĩa cho tôi xem nhá!
- Í ì, chỗ bác với em, bác cứ nói, cứ gì phải giấu giếm!
- Ờ ờ... là là... “Ba mươi lăm ca” nghĩa là gì, hở chú?
- Hú hú hú...! - Anh bạn tôi giơ cả hai tay lên trời, nhưng người thì đổ rụi xuống bàn. - Bác ơi là bác! - Và anh ta cứ thế cúi gằm xuống, người rung lên bần bật từng chập.
Vài phút sau, đã hết cơn cười, bạn tôi, tay cầm chén rượu đầy sóng sánh, nhoài đến tận mặt tôi.
- Bác phải cạn chén với em thì em mới nói được!
Tôi dím chặt đôi mi mắt, rót cạn chén rượu cháy cổ vào họng. Bạn tôi kiểm tra chén, rồi đưa cả hai tay cầm lấy tay tôi lắc lắc:
- Ba mươi lăm ca (35k), tức là ba mươi lăm nghìn đồng đó, bác ơi!
“Ồ, mình đúng là ngố thật!” - Tôi nhìn theo anh bạn ngất ngưởng cắp cái chai rỗng trong nách ngật ngưỡng bước ra cửa.
Đánh xong bát phở, tôi cũng học được một từ, mới xuất hiện thời kỳ “hậu hiện đại”. Nhớ nhá! Ba mươi lăm ca (35k), tức là ba mươi lăm nghìn đồng! Tự tay tôi vỗ lên cái trán nhăn nheo đường cày, đường bừa của một lão nông chả ra nông, sĩ chả ra sĩ.
Lần ấy, cũng bà lão đi ăn giỗ, vắng nhà. Đói. Tôi đến quán phở “35k”. Chẳng thấy phở đâu. Chỉ thấy một cửa hàng, hình như là trưng bày và bán quần áo thì phải. Cửa hàng mở toang. Có một cô gái, làm thuê dậy sớm cầm tấm biển đi ra. Chẳng may bị vấp, cô nhào vào người tôi, đang đi sát vào vỉa hè để tránh cái lũ người rửng mỡ vừa đi xe máy vừa đùa với tử thần. Bị vấp, là do cô gái cứ cố đùn mấy cái cọc áo quần ra sát mép hè phố.
- Ôi ối!
- Bác đỡ đây rồi!
Cô gái nhoẻn cười.
- Bác đi bão ạ?
- Há?
Nghẹn họng. Từ “mây mưa” thì tôi biết rồi, đã được nghe nói từ lâu. Chắc “đi bão” còn ác liệt hơn!
Cô gái vẫn ôm chặt lấy tôi.
- Úi giời ơi... ! Đêm qua chúng cháu đi bão cho đến tận khuya nhá! Hôm nay chả là chủ nhật mà, cho nên chúng nó còn đi nữa!
Thấy nhà vắng người, để thỏa chí tò mò, tôi bước hẳn lên bờ hè cửa hàng.
- Này, cháu gái ơi, thế... “đi bão” là gì, hở cháu? Chắc là hung tợn hơn “mây mưa”, phải không?
- Hí hí hí... Thế bác không đi bão thật à?
- Bác biết gì mà đi chứ! Già lão rồi, còn làm trò trống gì được nữa mà đi bão với mây mưa, giăng gió!...
- Bác ơi! Hôm qua, mười lăm tháng mười hai, đội tuyển quốc gia Việt Nam thắng một - không, đoạt cúp vô địch AFF, toàn dân Việt Nam đổ xô ra đường ăn mừng. Nào xe máy, ô tô con, ô tô tải, ô tô khách, rồi cả máy kéo, dùng vung nồi làm phèng la, bứng cả két nước ra mà gõ và hô “Việt Nam vô địch”... Thế gọi là “đi bão” đấy, bác ạ!
- Ố ồ! Thế gọi là “đi bão” à? Mà cái thứ dân xó rừng mình cũng “đi bão” á?
Có anh chàng xán đến nghe lỏm chẳng biết từ bao giờ, góp chuyện:
- Cứ gì phải có đường có phố mới đi bão, hả bác. Nhà cháu ở trong Bảo Xia, một mình một quả gò mà thằng em cháu cũng gõ vung nồi, đập đít chậu vỡ mấy cái liền đấy ạ! Chả là cái từ “đi bão” bắt đầu xuất hiện năm 1995 sau trận Việt Nam thắng Mianma, đến trận thắng này dân chúng mới lại nhớ lại đấy chứ bác!
Thì ra vậy. Bóng đá. Chiến thắng trên sân cỏ. Người dân đổ ra đường đập vung nồi, gõ két nước... thì gọi là “đi bão”. Tôi đã học thêm được một từ mới.