Các phần mềm này đa số đến từ các email giả danh hoặc những mẩu quảng cáo trên các website không an toàn. Thậm chí, chúng còn phát tán qua Skype hay các mạng xã hội như Facebook, Twitter,...
Điểm chung của chúng là có tên gọi gần giống với các sản phẩm của các hãng bảo mật tên tuổi nhưng được bán với giá rẻ hơn nhiều. Chính vì vậy, người dùng rất dễ bị lừa tải và cài đặt lên máy tính của họ, trong khi thực tế chúng hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ. Không chỉ bị mất tiền oan vì mua nhầm “đồ dỏm” mà nguy hiểm hơn, theo các hãng bảo mật, bản thân một số phần mềm dạng này lại chứa các loại virus, mã độc nhằm phá hoại dữ liệu hoặc đánh cắp thông tin cá nhân.
Báo cáo ngày 19.10 của Symantec cho biết, tính đến hết tháng 6.2009, hãng này đã ghi nhận được hơn 250 mẫu phần mềm giả mạo các loại đã được cài đặt lên 43 triệu máy tính.
Hiện tại, các hãng bảo mật lớn đều đã cập nhật thông tin nhận dạng và diệt các phần mềm dạng này cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, quan trọng là người dùng cần đề cao cảnh giác, đặc biệt là không tải các phần mềm bảo mật có nguồn gốc không rõ ràng. Ngay cả sử dụng phần mềm miễn phí cho yêu cầu diệt virus, tường lửa,... cũng chỉ nên chọn sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín.
(Theo LĐ)