Dịch vụ số đồng hành với hộ kinh doanh

Theo quy định, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Để giúp các hộ kinh doanh chuyển đổi tránh rủi ro pháp lý, đồng thời mở ra cơ hội nâng cao năng lực quản lý, các doanh nghiệp công nghệ đã đưa ra giải pháp số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm và an toàn…
Tuân thủ pháp luật để phát triển bền vững
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2023, cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Số liệu mới nhất được Cục Thuế cập nhật, cho thấy có khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Cũng nói thêm, hơn 5 triệu hộ kinh doanh ước tính đóng góp khoảng 30% vào GDP, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động, đặc biệt trong khu vực phi chính thức.
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (có hiệu lực từ ngày 1-6-2025) quy định: Hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Ước tính cả nước có khoảng 37.000 hộ kinh doanh phải tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp, tuân thủ quy định pháp lý.
Quy định này không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn là cơ hội để các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình vận hành minh bạch, hiện đại và hiệu quả hơn. Việc chậm triển khai có thể khiến hộ kinh doanh đối mặt với mức phạt lên đến 10 triệu đồng, trong khi việc chuyển đổi sớm lại mang đến nhiều giá trị thiết thực.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ số cho biết, do hoạt động với quy mô nhỏ, nên các hộ kinh doanh hạn chế về vốn, lại thiếu kỹ năng quản trị và khả năng tiếp cận công nghệ. Mặt khác, do chưa hình thành thói quen lập kế hoạch tài chính và kê khai thuế nên dẫn đến tâm lý e ngại. Do vậy, bài toán đặt ra là phải thiết kế giải pháp dành cho hộ kinh doanh với tiêu chí dễ dùng và tiết kiệm chi phí.
Đại diện Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) thuộc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đưa ra một hệ sinh thái giải pháp khép kín, dễ triển khai giúp quản lý bán hàng "3 trong 1”, hỗ trợ toàn diện từ khâu bán hàng - phát hành hóa đơn - kế toán tài chính (bộ giải pháp này đã được triển khai đến hàng trăm nghìn khách hàng trong cả nước).
Bà Nguyễn Thị Minh Khuê, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sapo (đang cung cấp nền tảng quản lý bán hàng phục vụ hơn 230.000 nhà bán hàng trên toàn quốc) cho biết, nhiều hộ kinh doanh đã lo lắng từ chi phí đầu tư ban đầu đến áp lực vận hành hệ thống đi kèm với việc thiếu hiểu biết về công nghệ, phần mềm khi thao tác. Do đó, doanh nghiệp đã đưa ra một giải pháp đơn giản, tiết kiệm, dễ dùng, không yêu cầu kỹ năng công nghệ cao nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định.
Giải pháp số đơn giản, dễ sử dụng
Sapo giới thiệu phần mềm quản lý bán hàng miễn phí trên điện thoại dành riêng cho hộ kinh doanh (giải pháp Sapo 6870), cho phép bán hàng và xuất hóa đơn điện tử, ký số ngay trên điện thoại di động. Giải pháp được đánh giá là tối ưu dành riêng cho hộ kinh doanh cá thể với việc phần mềm quản lý bán hàng trên mobile, đơn giản, dễ sử dụng; chữ ký số được tích hợp ngay trên ứng dụng, không cần USB token hoặc phần cứng riêng; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền...
Bộ giải pháp "3 trong 1” của VNPT dành cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa được thiết kế khoa học, dễ sử dụng. Trong đó, phần mềm bán hàng (VNPT Posio) tối ưu hóa các quy trình bán hàng, thanh toán và xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc máy tính, tích hợp với thiết bị máy tính tiền, giúp người bán thao tác nhanh chóng. Hệ thống phát hành hóa đơn điện tử (VNPT Invoice POS) khởi tạo từ máy tính tiền có khả năng kết nối trực tiếp với cơ quan thuế. Công cụ kế toán (VNPT HKD) giúp người bán theo dõi hàng tồn kho, quản lý chi phí, doanh thu và kê khai thuế…
Là nhà cung cấp đang đồng hành với 350.000 khách hàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Misa Lê Hồng Quang cho biết, phần mềm Misa eShop giúp số hóa toàn diện hoạt động của hộ kinh doanh chỉ bằng điện thoại thông minh. Đặc biệt, trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp trên phần mềm giúp các hộ lên đơn bằng giọng nói, xử lý và cung cấp một đơn hàng hoàn chỉnh với thông tin cơ bản như tên hàng hóa, số lượng và đơn giá. Ví dụ, đối với các người bán hàng lớn tuổi tại các hộ kinh doanh, không cần thao tác nhập từng đơn hàng dễ gây nhầm lẫn, họ chỉ cần nhập đơn hàng bằng giọng nói, trợ lý AI sẽ xử lý và hoàn thành đơn hàng. Sau đó, hộ kinh doanh có thể yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua mã QR. Cuối cùng, phần mềm tự động tổng hợp số liệu và gửi tờ khai thuế mẫu lên cơ quan thuế ngay trên điện thoại.
Không chỉ phát triển giải pháp công nghệ, đại diện các doanh nghiệp còn cam kết năng lực triển khai hỗ trợ khách hàng trên toàn quốc. Đại diện Sapo cho biết với 3.000 nhân sự, đại lý và cộng tác viên đang sẵn sàng đồng hành hỗ trợ.
Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) cũng cho biết sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ và triển khai trong thời gian sớm nhất cho các hộ kinh doanh trên toàn quốc. Giải pháp công nghệ giúp hộ kinh doanh tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian xử lý hóa đơn, hạn chế lỗi sai thủ công và bảo đảm an toàn dữ liệu với thời gian lưu trữ miễn phí lên đến 10 năm. Đặc biệt, giải pháp còn giúp dễ dàng tra cứu hóa đơn online, sử dụng cho các mục đích như hoàn thuế, bảo hành hay đối chiếu giao dịch, điều mà phương thức hóa đơn giấy truyền thống không làm được…
(Theo Hà Nội Mới)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

VinFast VF 6.

Top 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 5/2025: VinFast VF 6 tuột mất vị trí thứ 3

So với tháng 4/2025, doanh số của VinFast VF 6 trong tháng 5/2025 đã giảm gần 400 xe. Sự sụt giảm này đã khiến mẫu xe từ vị trí thứ 3 tụt xuống vị trí thứ 6 trong danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 5/2025 tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, VF 5 và VF 3 vẫn tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng.
Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của doanh nghiệp.

Nền tảng cho sự phát triển

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái không ngừng nỗ lực trong việc phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS). Điều này góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế và cải thiện môi trường sống cho người dân địa phương.
Nhóm học sinh Trần Thị Bích Đào - Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên đã nghiên cứu phương pháp tách sợi từ một số cây lấy sợi trên địa bàn để tạo sợi hữu cơ - nguyên liệu làm các sản phẩm như: tóc giả, đồ thủ công mỹ nghệ, vật liệu cho ngành dệt may, y khoa…

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái phấn đấu trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của tỉnh

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái (Liên hiệp Hội) phấn đấu đến năm 2035, định hướng đến năm 2045 tiếp tục xây dựng Liên hiệp Hội trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của tỉnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, góp phần đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) vào cuộc sống, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, cùng với đội ngũ trí thức đưa KH&CN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
fb yt zl tw