Các loại cây ăn quả phải trồng, chăm sóc khoảng 4 - 5 năm mới được thu hoạch, bởi vậy kiểm soát cây giống rất quan trọng, nếu giống cây không tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Đã có nhiều trường hợp người dân mua giống cây không rõ nguồn gốc tại các chợ dân sinh hoặc người bán rong về trồng, sau đó cây không ra quả hoặc có ra quả nhưng chất lượng kém. Theo quy định, đối với cây ăn quả, bắt buộc phải được nhân giống vô tính từ cây đầu dòng để duy trì các tính trạng tốt từ cây mẹ.
Ông Phạm Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: Hằng năm, trung tâm đều theo dõi, chăm sóc các vườn cây đầu dòng duy trì trong Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà theo đúng quy trình kỹ thuật. Đối với các vườn cây đầu dòng trong các hộ, trung tâm cử cán bộ theo dõi, đến tận vườn hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo 100% vườn cây đầu dòng của trung tâm và của các hộ đủ điều kiện kỹ thuật làm vật liệu cho việc nhân giống, đồng thời lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen quý.
Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đang quản lý 11 vườn cây đầu dòng các loại cây ăn quả như lê VH6, lê XT77, mận Tam hoa, mận tím Bắc Hà, đào XP21, xoài Úc… với mức khai thác tối đa đạt 250.000 mắt ghép. Trong năm 2023, trung tâm đã tổ chức khai thác mắt ghép phục vụ sản xuất giống được 183.000 mắt ghép, bằng 75,7% tổng mức mắt ghép được phép khai thác, không chỉ đáp ứng nhu cầu giống cây ăn quả cho các hộ trong tỉnh mà còn cung cấp một phần ra ngoài tỉnh.
Huyện Văn Bàn hiện có hơn 300 ha hồng không hạt, tập trung tại các xã Tân An, Tân Thượng, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân. Với hương vị thơm ngon, nhiều cát đường, giòn, đặc biệt không có hạt nên loại quả đặc sản này được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Để lưu giữ, phát triển giống cây đặc hữu này, huyện Văn Bàn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và các đơn vị trên địa bàn phân tích, đánh giá chỉ tiêu về hình thái, đặc điểm sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu, bệnh, năng suất, khối lượng trung bình quả và các chỉ tiêu khác… Qua đó đã tuyển chọn được 1 vườn cây đầu dòng và 15 cây đầu dòng hồng không hạt, cung cấp hơn 22.000 mắt ghép làm vật liệu nhân giống, cung cấp giống phục vụ mở rộng diện tích trồng, phát triển hồng không hạt trên địa bàn huyện.
Quy trình bình tuyển, công nhận cây đầu dòng trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Các tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng gửi hồ sơ tới Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ, kiểm tra cây đầu dòng, nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ cấp quyết định công nhận.
Bình tuyển cây đầu dòng dựa trên các cơ sở: Có các tính trạng đặc trưng của giống, có năng suất cao hơn 10% đối với các quần thể tại nơi bình tuyển và đánh giá năng suất ổn định liên tục từ 3 vụ trở lên (năng suất được đánh giá trực tiếp từ 2 vụ và kết hợp với việc phỏng vấn của chủ hộ về năng suất, sản lượng). Kiểm tra mức độ nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại, đo đếm kích thước, hình dáng của cây đầu dòng, đánh giá chất lượng và tính đúng giống của cây đầu dòng.
Toàn tỉnh hiện có hơn 4.500 ha cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng, do đó nhu cầu giống cây phục vụ sản xuất ngày càng cao. Xác định việc tuyển chọn và nhân giống sản xuất cây đầu dòng là mắt xích quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn về chất lượng giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành bình tuyển cây đầu dòng, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn về giống cây sạch bệnh, năng suất, có khả năng thích ứng với thời tiết.
Ông Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Chi cục đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quản lý chất lượng vườn cây, đánh giá chất lượng và đẩy mạnh quản lý, khai thác mắt ghép phục vụ sản xuất giống. Hiện trên địa bàn tỉnh có 27 vườn cây ăn quả và 129 cây được công nhận cây đầu dòng, tối đa cho phép cung cấp hơn 1,1 triệu mắt ghép phục vụ sản xuất giống cây ăn quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh sách và cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả đủ điều kiện để giúp người dân sản xuất lựa chọn các loại giống cây trồng. Hướng dẫn quản lý, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác nguồn giống cho các tổ chức, cá nhân được công nhận có hiệu quả và đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch thực vật, đặc biệt đối với những giống cây trồng nhập nội khi đưa vào khảo nghiệm, trồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, thiết lập các vườn ươm được chứng nhận cây đầu dòng.