Phiên tòa giả định trở thành hoạt động thường xuyên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của huyện Văn Bàn. Nội dung này được Tòa án nhân dân huyện phối hợp với Huyện đoàn, Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và một số đơn vị tổ chức vào ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9) hay hưởng ứng “Tháng Thanh niên”...
Ông Trần Văn Nghĩa, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Văn Bàn cho biết: Đều đặn mỗi năm sẽ có ít nhất 2 phiên tòa giả định được tổ chức. Mặc dù là giả định nhưng được xây dựng dựa trên những vụ án có thật xảy ra tại địa phương và được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Trong phiên tòa giả định, các bên tham gia đưa ra lập luận, phân tích logic, thuyết phục để bảo vệ lợi ích của mình. Các phiên tòa giả định được tổ chức ngay tại những nơi là điểm nóng về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội và trong các trường học trên địa bàn huyện.
Xuất phát từ thực tế trên địa bàn huyện xảy một số vụ việc về xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, vào đầu tháng 4/2023, phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự để tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em đã được tổ chức tại Hội trường UBND huyện với sự tham gia của hơn 500 học sinh. Tòa án nhân dân huyện Văn Bàn phối hợp với một số đơn vị phối hợp thực hiện xét xử vụ án về hành vi phạm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Trong suốt quá trình xét xử, thẩm vấn và tranh tụng, các “vai diễn”, đặc biệt là các “vai chính” như thẩm phán, bị cáo, luật sư do cán bộ, công chức khối nội chính huyện thể hiện tuy không chuyên, đôi lúc có những tình huống hóm hỉnh nhưng với việc tập trung thể hiện tâm lý sinh động của từng nhân vật và lối ứng xử, đối đáp hấp dẫn đã thu hút mọi người theo dõi toàn bộ diễn biến phiên tòa. Không đơn giản chỉ phơi bày ra ánh sáng tội ác của những đối tượng vi phạm pháp luật mà còn có tác dụng tuyên truyền sâu sắc cho học sinh biết được những hệ lụy, hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần và thể chất của trẻ vị thành niên do xâm hại tình dục gây ra.
Nét mới trong phiên tòa giả định năm nay là thành phần tham gia đa dạng hơn so với năm trước, từ thường trực cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các xã, thị trấn, ban giám hiệu các trường và đông đảo bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn. Đây là những nhân tố quan trọng trong phố biến, tuyên truyền pháp luật tại cơ sở. Đặc biệt, phiên tòa giả định được ghi hình lại làm tư liệu và tiếp tục được lan tỏa qua các hội nghị, hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng. Chính vì vậy, từ sau khi tổ chức phiên toàn giả định đến nay, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thêm vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Văn Bàn có hơn 70% người dân tộc thiểu số, địa hình phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn đến vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, để pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống, Tòa án nhân dân huyện tập trung nâng cao chất lượng công tác xét xử, đảm bảo không có án oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Với lượng vụ, việc xử lý ngày càng tăng và đa dạng loại hình tội phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho những người đến tham dự phiên tòa được chú trọng, đảm bảo hiệu quả trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Sau khi xét xử, đơn vị sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để hoạt động xét xử gắn với tuyên truyền pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.
Tòa án nhân dân huyện Văn Bàn đã ký kết quy chế phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Công an huyện và Huyện đoàn về việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên sớm tiếp cận thông tin pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giáo dục giới tính, giải quyết các vấn đề nổi cộm nhằm phòng ngừa từ xa; trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cùng với đó, Tòa án nhân dân huyện Văn Bàn cũng tăng cường hoạt động xét xử lưu động nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật. Trong năm 2023, đơn vị đã tiến hành xét xử lưu động 16 vụ án, trong đó có nhiều vụ án về ma túy để cảnh báo, răn đe các đối tượng phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Bên cạnh đó, công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án được triển khai hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành công các vụ, việc đạt 100%. Qua đó, những bên liên quan đều hiểu rõ quy định của pháp luật, trở thành những nhân tố tuyên truyền pháp luật tại địa phương, góp phần xây dựng đoàn kết cộng đồng khu dân cư.
Ông Trần Văn Nghĩa, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Văn Bàn khẳng định: “Việc đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội địa phương”.