Dấu ấn âm nhạc Việt

Năm 2023, nền âm nhạc Việt Nam đã đánh dấu những bước chuyển mình cả về chất và lượng. Bên cạnh hàng loạt các ca khúc “triệu view” là sự “trình làng” của nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ với những phong cách âm nhạc hiện đại, tươi mới.

Với 58 triệu lượt xem, “Em đồng ý” là MV nhạc Việt có lượt xem cao nhất năm 2023.

Cuộc “đổ bộ” của nghệ sĩ trẻ

Khép lại một năm đầy sôi động, mới đây, hàng loạt các giải thưởng âm nhạc uy tín đã vinh danh các nghệ sĩ, ca khúc ấn tượng của năm. Trong đó, một trong những dấu ấn đậm nét là sự bùng nổ của hàng loạt nghệ sĩ trẻ thuộc thế hệ GenZ (sinh năm từ 1995 - 2012). Giải thưởng Làn sóng xanh lần thứ 26 vừa được tổ chức với những cái tên như Tăng Duy Tân, Hứa Kim Tuyền, Phương Mỹ Chi, HIEUTHUHAI,… Trong đó, nghệ sĩ “bội thu” giải thưởng nhất là Tăng Duy Tân khi giành “cú đúp” với 2 ca khúc “Bật tình yêu lên” và “Cắt đôi nỗi sầu” lọt vào top 10 ca khúc được yêu thích nhất. Ngoài ra, một cái tên thuộc thế hệ GenZ khác cũng đã ghi dấu ấn ở giải thưởng năm nay là Wren Evans khi xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên tài năng để giành giải Album của năm với sản phẩm “Loi choi” và giải Ca sĩ đột phá.

Các giải thưởng âm nhạc khác như Mai Vàng, We Choice Awards, Best of 2023 của Zing MP3, Top 10 MV nổi bật của YouTube… cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ như TLinh, Double2T, Orange, Amee, Pháo,... Đây một thế hệ ca sĩ mới vừa có thể tự sáng tác, biểu diễn lẫn hòa âm, phối khí và bắt nhịp rất nhanh các xu hướng âm nhạc trên thế giới. Theo nhà sản xuất âm nhạc Trần Thành Trung, năng lượng GenZ cùng phong cách biểu diễn khác biệt của các ca sĩ mới này dễ dàng tạo được sức hút, sự bùng nổ với khán giả trẻ. Ở ca sĩ thế hệ mới, họ có sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên không quá ngạc nhiên khi họ đang khuynh đảo thị trường.

Mới đây, theo báo cáo thị trường âm nhạc Việt Nam do Zing MP3 công bố, 2023 là một năm khởi sắc của nhạc Việt khi có đến hơn 20.000 bài hát được ra mắt, hơn 1.600 nghệ sĩ “trình làng” và hơn 5.500 nghệ sĩ hoạt động. Còn theo danh sách thống kê, 10 MV nhạc Việt có lượt xem cao nhất năm 2023 trên YouTube cũng mang đến những con số đầy ấn tượng. Giữ vị trí số 1 là “Em đồng ý (I do)” của ca sĩ Đức Phúc và nhóm nhạc ngoại 911 với 58 triệu lượt xem. Vị trí số 2 là bản hit đình đám “Nếu lúc đó” của T'linh với 55 triệu view. Ca, nhạc sĩ Tăng Duy Tân cũng vượt mặt Sơn Tùng, Đen Vâu… để xếp hạng 3 với “Cắt đôi nỗi sầu” (53 triệu view)…

Ông Trần Thăng Long - Trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa Universal Music Việt Nam nhìn nhận, chúng ta đã có nhiều sản phẩm âm nhạc tiệm cận với khu vực. Không cần những bối cảnh quá hoành tráng mà tập trung vào không gian âm nhạc và nâng niu âm nhạc giống như cách các nước trong khu vực đang làm. Nhiều MV âm nhạc của Việt Nam vẫn luôn được khen là đẹp và sáng tạo. Để có được điều đó, các ca sĩ Việt hiện đã có một khoản thu khá tốt từ các nền tảng streaming như Facebook Live, YouTube, Twitch... Ước tính năm 2023, doanh thu âm nhạc của thị trường số khoảng 37 triệu USD, gấp đôi so với thời điểm cách đây 4 năm. Đó là điều đáng mừng bởi khi các nền tảng nghe nhạc có trả phí ở Việt Nam phát triển thì sẽ càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm của mình.

“Thăng hạng” cho nhạc Việt

Thực tế thời gian qua, cách vận hành thị trường âm nhạc truyền thống đã lùi bước để nhường sân lại cho những thay đổi của thị trường âm nhạc kỹ thuật số. Dịch vụ phát nhạc trực tuyến đã trở nên phổ biến và thống trị thị trường âm nhạc toàn cầu về doanh thu. Không những vậy, âm nhạc Việt hiện đang “ghi điểm” khi đang dần tạo nên sức ảnh hưởng đến âm nhạc thế giới nhờ sự phát triển của các nền tảng nhạc số và mạng xã hội, nhiều bản hit Việt trở thành hiện tượng toàn cầu. Trong đó có thể kể đến “See tình” của Hoàng Thùy Linh; “Hai phút hơn” của Pháo đã gắn kết khán giả toàn thế giới bằng âm nhạc bắt tai, tạo hiệu ứng với công chúng. Hay sau thành công ở chương trình “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng”, ca sĩ Chi Pu đã có cơ hội trình diễn tại những sân khấu quy mô hoành tráng ở Trung Quốc như Đêm hội TMALL, sự kiện chào năm mới của Đài Hồ Nam…

Nhìn nhận về xu hướng phát triển của âm nhạc Việt Nam, TS Nguyễn Văn Thăng Long - giảng viên Trường Đại học RMIT Việt Nam nhận định, thế hệ nghệ sĩ trẻ đang định hình lại tương lai của nhạc Việt trong những năm gần đây. Các tác phẩm âm nhạc của họ thể hiện rõ lối tư duy sáng tạo, đổi mới và phóng khoáng, cũng như “cái tâm” làm nghề không hề kém cạnh những bậc tiền bối đi trước. Không chỉ thế, họ còn xuất sắc thể hiện sự linh hoạt và tính đa nhiệm của mình thông qua việc đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò khác nhau như ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất, đồng thời định nghĩa lại về giới hạn của một hình mẫu nghệ sĩ truyền thống. Các nghệ sĩ trẻ đã góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nền âm nhạc Việt Nam, đóng vai trò như những đại sứ - kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. “Năm 2024 được kỳ vọng là năm bùng nổ của nhạc Việt trên sân chơi toàn cầu, sẵn sàng chinh phục khán giả, vượt xa mọi đường biên địa lý” - ông Long nhìn nhận.

Báo Đại đoàn kết

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chuyển động cùng nhạc kịch

Chuyển động cùng nhạc kịch

Nhạc kịch đang được “phủ sóng” rộng rãi từ sân khấu cho đến trường học. Ở đó, cùng với việc “Việt hóa” các tác phẩm của nước ngoài, liên kết với nhà hát quốc tế… thì việc khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống đang giúp loại hình sân khấu này có thêm sức hút, đặc biệt là với khán giả trẻ.

Gian nan bảo vệ bản quyền

Gian nan bảo vệ bản quyền

Tròn 20 năm Việt Nam tham gia Công ước Berne (10/2004) về quyền sở hữu trí tuệ. Khoảng thời gian này không phải là ngắn, vậy nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền ở trong nước vẫn còn phổ biến và ngày càng phức tạp.

"Đốt đuốc đi tìm"...

"Đốt đuốc đi tìm"...

Nhiều người lấy làm ngạc nhiên vì trong lúc thế giới điện ảnh vô cùng sôi động thì lại thiếu vắng những người làm phê bình điện ảnh một cách đúng nghĩa. Cùng đó cũng lại ngạc nhiên khi mà trên mạng xã hội người ta bàn tán dữ dội một bộ phim nào đó, nhưng không thấy “nhà phê bình điện ảnh” ở đâu.

Đồ họa Việt cần tiếp cận trình độ thế giới

Đồ họa Việt cần tiếp cận trình độ thế giới

Trong những năm gần đây, công chúng Việt Nam thường xuyên chứng kiến tên tuổi của một số nhà thiết kế đồ họa Việt Nam xuất hiện trong các bộ phim “bom tấn” nước ngoài. Cùng với đó, những sản phẩm văn hóa trong nước sử dụng đồ họa cũng ngày càng phổ biến và mức độ hiện đại rất cao. Tuy nhiên để bắt kịp trình độ phát triển của đồ họa thế giới, chúng ta cần có chiến lược phát triển thông qua 3 trụ cột: Sáng tạo, nghiên cứu và giảng dạy.

fbytzltw