Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay” do Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chiều 12/4 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Song, theo ông Phạm Văn Thủy, so với các nước trong khu vực, chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Trong bối cảnh thỏa thuận MRA-TP cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN, người làm du lịch nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam khiến người làm du lịch Việt Nam có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.
Việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cấp cao. Doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của hệ thống.
Đó là chưa kể, sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam còn phải đối mặt thực trạng thiếu trầm trọng nhân lực du lịch, đòi hỏi phải có chính sách thu hút trở lại người lao động và có giải pháp đào tạo lại, đào tạo mới.
Trước thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam mà trước hết cần xây dựng một chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế trong ngành du lịch.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ nhiều cơ sở đào tạo du lịch trong nước và quốc tế đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo du lịch Việt Nam theo chuẩn quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỉ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh, tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong đào tạo
Bên cạnh đó, cần xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch. Trên cơ sở nhu cầu việc làm, đơn đặt hàng từ các các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hàng năm; các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó triển khai việc kiểm tra, tuyển dụng nhân viên sau khóa học.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố môi trường làm việc đối với thu hút nhân lực chất lượng cao, ông Urs Eberhardt, Giám đốc phát triển chiến lược Đông Nam Á của Trường Quản lý Kinh doanh và Khách sạn BHMS – một trong những trường đào tạo chuyên ngành khách sạn tốt nhất Thụy Sĩ cho biết: Môi trường làm việc là yếu tố quan trọng hàng đầu thu hút nguồn nhân lực tài năng. Nguồn nhân lực trẻ luôn năng động và đầy sáng tạo, luôn muốn được thử sức trong môi trường đầy thách thức. Nguồn nhân lực trẻ cũng luôn đề cao việc được công nhận. Vì thế, môi trường làm việc phải đủ hấp dẫn, mang đến cho nhân sự sự công nhận xứng đáng mới có thể thu hút nhân tài.
Ông Urs Eberhardt cũng nhấn mạnh, hiện nay, du lịch thế giới đang vận dụng mạnh mẽ những tiến bộ của công nghệ vào mọi hoạt động để mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng. Vì thế, nhân sự làm việc trong ngành phải luôn học hỏi, tận dụng tối ưu những lợi ích của công nghệ và rèn luyện kĩ năng thích ứng linh hoạt với những xu hướng mới nhất của ngành.