Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Thường trực Huyện ủy - UBND huyện Bảo Yên; lãnh đạo Công ty TNHH Lucavi; hội nông dân các huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát; đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, chi - tổ hội nông dân - nghề nghiệp, hội viên nông dân trồng chè thuộc 5 xã trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ tháng 7/2023, Công ty TNHH Lucavi đã triển khai thực hiện 21,2 ha tại 4 huyện trong tỉnh, trong đó Bát Xát: 6 ha với 12 hộ tham gia; Bảo Yên: 7 ha với 6 hộ tham gia; Bắc Hà: 1 ha với 5 hộ tham gia; Bảo Thắng: 7,2 ha với 4 hộ tham gia.
Tại huyện Bảo Thắng, khi canh tác và bón phân Lucavi đúng kỹ thuật, sản lượng tăng lên rõ rệt. Tiêu biểu như các hộ: Phạm Văn Ký, Đào Thị Huệ, Vũ Thị Thơm, Nguyễn Đức Kháng, Hoàng Văn Cậy… cho lợi nhuận tăng so với canh tác thông thường, đạt 23 triệu đồng/ha/năm. Tại huyện Bắc Hà, do đặc thù chè cổ thụ phân tán rộng, người dân còn hạn chế về kỹ thuật chăm sóc nên khó theo dõi hiệu quả khi sử dụng phân bón. Theo đánh giá của ngành chức năng, cây chè xanh, khỏe mạnh hơn, ít nấm bệnh, búp phát triển nhanh, mập, dày, dẻo và xanh hơn; sản lượng các hộ tham gia mô hình tăng từ 8 - 10 kg/lần hái/2000 m2; chất lượng chè búp đảm bảo an toàn sản phẩm theo hướng hữu cơ. Tại huyện Bát Xát, sản lượng đã có sự tăng trưởng khi sử dụng phân hữu cơ Lucavi, nhưng do bà con chưa duy trì và chăm sóc đúng kỹ thuật nên khó đánh giá được hết hiệu quả của phân bón mang lại.
Còn tại huyện Bảo Yên, dự án triển khai từ tháng 7/2023, gồm 1 ha với 5 hộ dân ở thôn Lương Hải, xã Lương Sơn và 1 doanh nghiệp tham gia. Các hộ và doanh nghiệp đều được hỗ trợ phân bón hữu cơ Lucavi để khảo nghiệm trên cây chè. Kết quả sau khi triển khai mô hình: Cây chè xanh, khỏe mạnh hơn, ít nấm bệnh, búp phát triển nhanh, mập, dày, dẻo và xanh hơn; lá và búp bung phẳng để đón ánh sáng; khoảng cách giữa 2 lần thu hoạch được rút ngắn; chất lượng chè búp đảm bảo an toàn sản phẩm theo hướng hữu cơ.
Tỷ lệ chè tươi/chè khô: 10 kg chè tươi sau khi sao đạt 2,2 kg chè khô (tăng 0,2 kg so với chè sử dụng phân vô cơ. Tỷ lệ chè vụn thấp hơn so với chè sử dụng phân vô cơ...
Đánh giá về hiệu quả kinh tế: Lợi nhuận tăng lên đáng kể so với canh tác dùng các loại phân bón khác từ hơn 1,1 triệu đồng đến gần 3 triệu đồng/mô hình; cây chè khỏe mạnh hơn, bà con tiết kiệm về chi phí chăm sóc và thuốc bảo vệ thực vật…
Đại diện doanh nghiệp và nông dân tham gia mô hình nêu ý kiến đánh giá.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đại biểu tham luận, đánh giá hiệu quả mô hình, nêu lên những thuận lợi, khó khăn, vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách khi tham gia mô hình…
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên mong muốn Công ty TNHH Lucavi tiếp tục có cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia mô hình không chỉ đối với cây chè mà cả ở các loại cây trồng khác như dâu tằm nhằm tăng sản lượng, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.