Điểm nổi bật nhất trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi vừa được hoàn thiện, gửi Quốc hội là sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá công chức.
Cách thức đánh giá mới để hình thành cơ chế sàng lọc công chức trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể. Dự Luật cũng có các quy định để xử lý các trường hợp "người nhà nước" không hoàn thành nhiệm vụ.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung những nội dung trên nhằm khắc phục chế độ "biên chế suốt đời".
Cụ thể, dự Luật dành một mục quy định về đánh giá công chức. Nguyên tắc đề ra, việc đánh giá với công chức phải căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, kết quả, sản phẩm theo yêu cầu của vị trí việc làm, mức độ đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức.
Theo dự Luật, việc đánh giá này bảo đảm sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Việc đánh giá công chức do cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan sử dụng công chức thực hiện theo phân cấp.
Công chức được đánh giá định kỳ hằng năm và đánh giá trước khi thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động; kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái.
Dự Luật còn quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng công chức theo vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở đánh giá công chức.
Việc đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện từng nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng, năm thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm; bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công tâm.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đề ra yêu cầu, việc đánh giá công chức phải thực chất, phân định rõ mức độ xếp loại để có cơ sở thực hiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với người có phẩm chất, năng lực nổi trội, có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời để sàng lọc, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết về đánh giá đối với công chức.
Các mức xếp loại công chức như: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ.
Với công chức không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc cho thôi việc nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.
Dự Luật cũng quy định công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc.
Kết quả xếp loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.
Cơ chế ký hợp đồng có thời hạn với chuyên gia
Về nguyên tắc tuyển dụng công chức, dự thảo Luật nêu rõ phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; Cạnh tranh bình đẳng.
Người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.
Dự thảo Luật còn bổ sung quy định cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.