Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị xã Sa Pa vừa được HĐND tỉnh thông qua kế thừa những nội dung phù hợp của các quy chế trước đây, bổ sung một số nội dung để phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Sa Pa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị xã Sa Pa theo hướng bền vững.
Sa Pa đã từng có 2 quy chế quản lý kiến trúc đô thị được ban hành năm 2004 và quy chế quản lý đô thị điều chỉnh năm 2012. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị ban hành năm 2004 được các chuyên gia đô thị hàng đầu của Pháp phối hợp với tỉnh Lào Cai xây dựng chứa đựng những quan điểm mới về quy hoạch, quản lý kiến trúc. Quy chế này cũng được xây dựng theo hướng mở về không gian nhưng cũng chuyên sâu theo từng chuyên ngành, lĩnh vực.
Sau 20 năm thực hiện có thể đánh giá quy chế quản lý kiến trúc đô thị này là sản phẩm của sự hợp tác thiết thực giữa vùng Aquitaine và tỉnh Lào Cai, là công cụ quản lý hữu hiệu cho đô thị Sa Pa trong suốt quá trình phát triển vừa qua. Quy chế phân ra khu vực ưu tiên phát triển, khu vực hạn chế phát triển để bảo tồn, nhờ đó không gian đô thị lõi Sa Pa được giữ gìn với mật độ xây dựng hợp lý, các công trình, dự án mới được thiết kế phương án kiến trúc phù hợp. Đặc biệt, qua quy chế này góp phần quản lý đất đai, trật tự xây dựng, hạn chế công trình có chiều cao ảnh hưởng không gian, cảnh quan Khu Du lịch quốc gia Sa Pa.
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Bên cạnh những ưu điểm thì qua thời gian dài thực hiện, quy chế đô thị năm 2004 và quy chế điều chỉnh năm 2012 cũng bộc lộ một số hạn chế. Một số nội dung trong quy chế không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Hơn nữa, thời điểm quy chế này ra đời chưa có quy định về lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị nên quy chế này chưa có giá trị pháp lý.
Sau khi Luật Kiến trúc 2019 (có hiệu lực ngày 1/7/2020) quy định Quy chế quản lý kiến trúc được lập cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho 4 đô thị trên địa bàn tỉnh là thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bắc Hà, đô thị du lịch Y Tý. Từ định hướng của tỉnh, thị xã Sa Pa đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện, tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia và Nhân dân tham gia dự thảo quy chế. Nhờ đó, quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị xã Sa Pa đã bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tế của địa phương, đảm bảo hài hòa, tạo động lực phát triển kinh tế, đô thị với giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc.
Định hướng chung - Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thị xã Sa Pa được lập theo 5 phân khu kiểm soát phát triển đã xác định trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa đến năm 2040 dựa trên cơ sở: Khung giao thông; địa hình cảnh quan; tính chất chức năng chủ đạo… đảm bảo tính thống nhất, hỗ trợ nhau về mặt không gian và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển không gian mở rộng về phía Bắc, Đông - Đông Bắc, Tây - Tây Nam, từng bước hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa. Khu vực lõi hiện hữu tập trung cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, chuyển đổi một số chức năng thành đô thị, dịch vụ, du lịch. Khu vực dọc thung lũng suối Hồ ưu tiên phát triển đô thị, du lịch nhằm hỗ trợ khu vực lõi trung tâm. Khu vực dọc thung lũng Mường Hoa phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch chất lượng cao gắn với cáp treo Fansipan, kết hợp bảo tồn cảnh quan thung lũng Mường Hoa. Khu vực Sâu Chua phát triển đô thị, du lịch sinh thái gắn với chăm sóc sức khỏe, trồng cây đặc hữu. Khu vực phía Bắc đường tránh phát triển đô thị, du lịch mật độ thấp, bảo vệ cảnh quan sinh thái.
Kiểm soát chặt chẽ không gian kiến trúc cảnh quan vùng lõi đô thị, các điểm cao, thung lũng, dọc suối kết nối với các không gian xây dựng mới tạo sự đồng bộ, thống nhất về bản sắc trong một tổng thể chung. Xây dựng hình ảnh kiến trúc cảnh quan riêng cho từng phân khu, trục, tuyến gắn với giải pháp thiết kế đô thị. Tăng cường phát triển các khu trung tâm đa chức năng để phục vụ dân cư đô thị và phát triển dịch vụ du lịch. Bảo vệ và phát huy các giá trị nông - lâm nghiệp, cây xanh tự nhiên, suối… trong khu trung tâm du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa.
Xây dựng “vành đai xanh” từ khu vực thắng cảnh núi Hàm Rồng, Trung Chải đến khu vực phía Bắc tuyến đường tránh tạo nên dải không gian sinh thái bao quanh trung tâm Sa Pa. Khuyến khích phát triển giao thông công cộng tại khu vực lõi trung tâm. Xây dựng các bến xe trung chuyển tại các cửa ngõ tiếp cận với trung tâm Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đảm bảo sự điều tiết hợp lý lưu lượng, hạn chế tối đa việc quá tải, ùn tắc trong mùa cao điểm du lịch. Gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch bền vững (văn hóa người Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó). Phát huy cấu trúc định cư, kiến trúc, cảnh quan nông nghiệp truyền thống tại các thôn, bản; khuyến khích, tổ chức phát triển các mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái gắn với cộng đồng.
Quy chế quy định cụ thể đối với kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, các công trình hạ tầng (đường giao thông, cáp treo, thoát nước, chiếu sáng công cộng, cấp nước, cấp điện, viễn thông, cây xanh, hệ thống quản lý chất thải, vệ sinh môi trường…) phải được thiết kế xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan. Khuyến khích các giải pháp hạ tầng đa chức năng và đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tương lai. Bảo đảm tổ chức giao thông thuận lợi, kiến trúc và cảnh quan đô thị hài hòa, phù hợp với tính chất của khu đô thị du lịch…
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Điểm cốt lõi của quy chế này là tập trung bảo tồn các công trình kiến trúc đã gắn với lịch sử, văn hóa, có ý nghĩa biểu tượng của Sa Pa. Quy chế cũng định ra phong cách kiến trúc cho từng tuyến phố, tuyến đường, kết hợp hài hòa kiến trúc Pháp, kiến trúc bản địa, phù hợp với cảnh quan từng khu vực.
Tới đây, Sa Pa sẽ lựa chọn các tuyến phố ở khu vực lõi đô thị làm điểm để chỉnh trang mặt tiền nhà ở, xử lý những bất cập kiến trúc mái theo kiến trúc Pháp, kiến trúc truyền thống… Các khu vực quy hoạch đô thị mới cũng sẽ tập trung quản lý kiến trúc, trật tự xây dựng đảm bảo đồng bộ, thống nhất.