Trên địa bàn huyện Bát Xát hiện có 984 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 422 cơ sở sản xuất, chế biến; 308 cơ sở kinh doanh; 200 cơ sở dịch vụ ăn uống và 54 cơ sở thức ăn đường phố. Huyện Bát Xát đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện và 21 đoàn kiểm tra liên ngành cấp xã tổ chức kiểm tra cơ sở thực phẩm từ ngày 30/1. Qua kiểm tra 79 cơ sở đã phát hiện 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm và xử phạt hành chính 2,3 triệu đồng. Huyện Bát Xát cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm.
UBND các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn và thành phố Lào Cai cũng triển khai đồng bộ công tác kiểm tra an toàn thực phẩm từ tuyến huyện, thành phố đến xã, phường. UBND thành phố Lào Cai thành lập 19 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó tuyến thành phố 2 đoàn; tuyến xã, phường 17 đoàn. Các đoàn đã kiểm tra 102 cơ sở, phát hiện 1 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính 4 triệu đồng, tiêu hủy 901 gói và 4 kg bánh, kẹo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
UBND huyện Bắc Hà đã thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện; tổ chức kiểm tra 10 cơ sở, phát hiện 5 cơ sở vi phạm, đã xử phạt 4,7 triệu đồng. Cấp xã trên địa bàn huyện Bắc Hà thành lập 19 đoàn kiểm tra, đã tổ chức kiểm tra 188 cơ sở. UBND huyện Văn Bàn tổ chức kiểm tra 28 cơ sở, phát hiện 1 cơ sở vi phạm, xử phạt 1,5 triệu đồng. UBND huyện Si Ma Cai thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra đối với 116 cơ sở, phát hiện 2 cơ sở vi phạm và xử phạt 4 triệu đồng...
Trong dịp này, tỉnh đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 đã tổ chức kiểm tra đột xuất 22 cơ sở tại thành phố Lào Cai và các huyện Si Ma Cai, Văn Bàn, Bắc Hà và Bát Xát (19 cơ sở kinh doanh, 1 cơ sở sản xuất, 2 cơ sở dịch vụ ăn uống). Thành viên đoàn đã kết hợp tuyên truyền về trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; phổ biến các văn bản quy định và các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tới 22 hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ông Vi Văn Phát, Chánh thanh tra Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 2 cho biết: Đoàn đã kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ chính trong dịp tết như bánh, kẹo, rượu, bia, thịt, các loại quả... Trong quá trình kiểm tra đã có sự thống nhất giữa các cấp để tránh chồng chéo, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ bản các cơ sở thực hiện tương đối nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, như có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện tự công bố và kiểm nghiệm kết quả định kỳ; khám sức khỏe và xác nhận đầy đủ kiến thức cho người trực tiếp quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa tuân thủ đúng quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, như nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm không bố trí trang - thiết bị, dụng cụ phòng, chống côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động…
Trong tháng Giêng, các địa phương tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, là dịp để người dân đến vui chơi, giao lưu. Nhu cầu sử dụng thực phẩm dịp này cũng tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên địa bàn thành phố Lào Cai, các xã Tả Phời, Hợp Thành, Cốc San sẽ tổ chức lễ hội Xuống đồng; xã Cam Đường, xã Vạn Hòa tổ chức lễ hội xuân; xã Thống Nhất tổ chức lễ hội đền Ngòi Bo... Đặc biệt, Lễ hội đền Thượng được tổ chức từ ngày ngày 12 - 15 tháng Giêng là lễ hội lớn, thu hút đông du khách thập phương. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội, thành phố Lào Cai đã lên kế hoạch cụ thể. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong dịp này sẽ phải ký cam kết đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 2 của tỉnh sẽ kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, test nhanh một số mẫu thực phẩm tại khu vực lễ hội.
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành triển khai kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng kiểm tra, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm bao gói sẵn.
Cùng với sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần đề cao đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm trong việc lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần chú ý trong lựa chọn thực phẩm, tìm đến những nhà sản xuất, kinh doanh uy tín, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng...