Đối với Điều 3 về giải thích từ ngữ, đồng chí Sùng A Lềnh cho rằng đang có sự khác nhau về từ ngữ, thuật ngữ giữa dự thảo Luật với một số nghị định có liên quan, đề nghị Ban soạn thảo cần nói rõ hơn hoặc thống nhất về cách gọi.
Đối với Điều 4 của của dự thảo Luật về nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung, chỉnh lý một số cụm từ tại Khoản 1 và Khoản 3 để đảm bảo tính thống nhất của Luật. Cũng với lý do này, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung, sửa đổi một số cụm từ tại Điều 8 về các hành vi bị cấm.
Về quy định nguyên tắc chung của Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo thay từ “chỗ” thành cụm từ “vị trí ghế ngồi, giường nằm” bởi nếu ghi là “chỗ” có thể xảy ra trường hợp dây đai an toàn được sử dụng cho hàng hoá chở trên xe.
Về Điều 13 quy định vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt, dự thảo quy định “Vượt xe là tình huống giao thông mà xe đi phía sau phải di chuyển sang làn đường hoặc phần đường bên trái để lên trước xe phía trước, sau đó trở lại làn đường hoặc phần đường đã di chuyển ban đầu”. Ý kiến của đại biểu là cần quy định như sau: “Vượt xe là tình huống giao thông mà xe chạy phía sau di chuyển sang làn đường bên cạnh (trên đường có từ 2 làn đường cùng chiều trở lên) hoặc phần đường bên trái (trên đường hai chiều chỉ có 1 làn đường mỗi chiều) vượt lên trước xe chạy phía trước”.
Lý do được đại biểu dẫn chứng là với đường có từ 2 làn đường cùng chiều trở lên thì có thể di chuyển sang làn đường bên phải để vượt xe và tiếp tục đi vào làn đường đó mà không nhất thiết phải đi vào làn đường ban đầu.
Tại Điều 17 về dừng, đỗ xe, đại biểu Sùng A Lềnh dẫn chứng Điểm a Khoản 3 Điều 17 quy định: “a) Dừng xe phải có tín hiệu, biển cảnh báo cho người điều khiển phương tiện khác biết trạng thái xe đang dừng”. Đề nghị bỏ cụm từ “biển cảnh báo” vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 có quy định: “Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết theo quy định tại các vị trí được phép dừng”.
Trên thực tế, khi lưu thông trên đường, người điều khiển phương tiện vì nhiều lý do có thể phải dừng phương tiện trong một thời gian ngắn (ví dụ xe taxi chở khách), do đó nếu quy định mỗi khi dừng phải đặt biển cảnh báo sẽ không phù hợp và khả thi, nhất là tại các thành phố lớn.
Tại Khoản 1 Điều 19 có quy định rõ thời gian bật đèn với người điều khiển phương tiện là xe máy, tuy nhiên theo đại biểu Sùng A Lềnh, tuỳ theo mùa và khu vực mà trời có thể tối sớm hoặc muộn hơn, nếu không bật đèn sẽ khiến tầm nhìn bị hạn chế, do đó cần có quy định thời điểm bật đèn cụ thể theo mùa đông, mùa hè.
Ngoài ra, cũng tại tham luận của mình, đại biểu Sùng A Lềnh còn góp ý vào nội dung dự thảo một số điều, khoản, mục như: Điều 31 quy định người lái xe, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy; Điều 39 về đảm đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô; Điều 45 quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và Điều 46 quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh.