Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai thuộc Tổ thảo luận số 5 gồm các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang và Quảng Nam; đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc làm Tổ trưởng tổ số 5.
Mở đầu tham luận, đồng chí Sùng A Lềnh cho rằng, sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh Động viên công nghiệp, 14 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, trước yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp hết sức cấp thiết.
Thông qua đó nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập xuất hiện trong quá trình thực thi hai Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, thời gian qua, một số luật đã được Quốc hội thông qua có tác động đến công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, như Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Đầu tư công năm 2019… đòi hỏi phải xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về nội dung cụ thể, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu: Đối với dự thảo Điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đề nghị cần sửa đổi Khoản 2, trong đó bổ sung quy định cấm hành vi chuyển đổi các tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hoặc giao cho doanh nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp cho phù hợp với Luật Đất đai hiện hành.
Đối vớiĐiều 16 về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Khoản 2 có quy định: “Dự toán ngân sách Nhà nước trung hạn, hàng năm ưu tiên cho thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất quốc phòng, an ninh và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh”.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, việc sử dụng cụm từ “hàng năm” trong trường hợp này chưa phù hợp, không xác định con số chính xác, lặp đi lặp lại, trong khi dự toán ngân sách nhà nước phải làm thường xuyên nên thay bằng từ “hằng năm” cho đúng nghĩa.
Với Điều 22 về đất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cần có sự chỉnh lý, bổ sung để phù hợp với các điều, khoản, quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thống nhất các dự thảo luật.
Về Điều 37 quy định quản lý, duy trì dây chuyền động viên công nghiệp có Khoản 2 nêu: “Khi có nhu cầu sử dụng trang - thiết bị do Nhà nước giao ngoài kế hoạch động viên công nghiệp, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý và Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng phải có văn bản trả lời”.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, thủ tục sử dụng ngoài kế hoạch tương đối phức tạp và cần nhiều thời gian để báo cáo cơ quan quản lý, Bộ Quốc phòng và thời hạn trả lời là 30 ngày. Quy trình này không phù hợp trong tình huống doanh nghiệp cần huy động gấp máy móc thiết bị để sản xuất đơn hàng. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa để đảm bảo tính khả thi.
Ngoài ra, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cũng nêu một số ý kiến khác đối với Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đó là đề xuất xem xét lại khái niệm “động viên công nghiệp”, để tránh vi phạm đến quyền sở hữu đã được Hiến pháp quy định và Luật Chuyển giao công nghệ. Các điều luật quy định tại Chương V trong hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng cần được nghiên cứu để đảm bảo tính tương thích với các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Doanh nghiệp…