“Cuộc chiến không giới tuyến” - phim về Bộ đội Cụ Hồ hấp dẫn, hút khán giả

Bộ phim truyền hình "Cuộc chiến không giới tuyến" xoay quanh công việc và cuộc sống của bộ đội nơi biên giới, biển, đảo, đang tạo sức hút và sự phản hồi tích cực từ khán giả sau khi 15 tập (dự kiến phim dài khoảng 40 tập) phát sóng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo và đoàn làm phim về bộ phim này.

Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: Dự án phim truyền hình nhiều tập về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), trực tiếp là Trung tâm Phim truyền hình (VFC) sản xuất, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 / 22/12/2024). Dự án chia làm hai giai đoạn: Năm 2023 sản xuất khoảng 40 tập phim và giai đoạn 2 là trong năm 2024. Giai đoạn 1, bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến” đã đi được gần một nửa chặng đường với 15 tập, phát sóng trên kênh VTV1 trong khung “giờ vàng” phim Việt, lúc 21 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần; các tập tiếp theo đã được thông qua, bảo đảm tiến độ phát sóng. Trong giai đoạn 1 triển khai dự án, phim khai thác hình ảnh lực lượng Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Hải quân. Nhưng mục đích của toàn bộ dự án là thông qua những hình ảnh, câu chuyện phim, cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài thấy được hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, học tập, rèn luyện và đời sống thường ngày. Dự án còn tiếp tục và trong những tập phim, bộ phim tiếp theo sẽ mở rộng tiếp cận ở nhiều quân chủng, binh chủng; hứa hẹn mang đến nhiều yếu tố hấp dẫn. Dự án phim được các đơn vị phối hợp có sự đầu tư, chuẩn bị chặt chẽ và công phu, với mục đích đem đến những hình ảnh hết sức dung dị, cũng như phản ánh những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hy vọng để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Hình ảnh trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”.

Hình ảnh trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Danh Dũng: Khi thực hiện bộ phim, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng, bối cảnh từ Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, do đó mang đến cho khán giả những cảnh quay hoành tráng mà có lẽ chưa từng xuất hiện trên phim truyền hình, như: Tập trận trên biển, truy bắt tội phạm nơi biên giới... Cũng bởi vậy mà trên phim có nhiều bối cảnh mới mẻ, đặc sắc miền biên viễn, rồi biển, đảo với khung cảnh hùng vĩ, mênh mông. Dự án phim mang đến khá nhiều thách thức. Chúng tôi ngoài việc nghiên cứu kỹ kịch bản, nhiệm vụ đặc thù của lực lượng Bộ đội Biên phòng tại vùng cao biên giới sống cùng đồng bào các dân tộc thiểu số, diễn viên cũng phải rèn luyện thể lực cho những trường đoạn hành động, đuổi bắt ở địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, từ trong bối cảnh khó khăn này, chúng tôi đã thực hiện bộ phim đạt được mục đích và tăng yếu tố hấp dẫn về sức chiến đấu, sức cống hiến của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.

Thực tế câu chuyện về người lính trong đời sống hôm nay, về đồng bào vùng biên giới là đề tài khó nên ê kíp làm phim phải có nhiều ngày sống, làm việc cùng với bà con, với bộ đội để có thể hiểu, cảm nhận tốt hơn câu chuyện. Cũng có người hỏi tôi sao không dựng phim trường, làm bối cảnh để diễn viên đỡ vất vả hơn. Nhưng hiện nay, khán giả Việt Nam kỹ tính, đòi hỏi độ chân thực cao... Theo dõi phim, khán giả đòi hỏi tính truyện liên tục và luôn có những so sánh, đối chứng với đời sống thực. Bởi vậy, không chỉ phim này mà phim nào cũng thế, tôi luôn nghĩ rằng nếu nội dung chưa thực sự hay như khán giả mong muốn thì phải nỗ lực biểu đạt sao cho mọi tình huống, bối cảnh chân thực, gần gũi hơn.

Thiếu tá, biên kịch phim Phạm Ngọc Hà Lê: Khi dự án phim thành lập và triển khai, tôi là một trong 6 biên kịch (cùng với Thượng tá Bùi Duy Đông, biên kịch Trung Dũng, Thu Thủy, Hồng Hải và Đức Bảo). Xác định đây là bộ phim chính luận nên ê kíp biên kịch đã đi thực tế khá nhiều đơn vị thuộc các quân chủng, binh chủng và ở bộ phim sản xuất năm 2023 này, chúng tôi chọn hai lực lượng là Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Hải quân.

Hình ảnh hai anh em Trung-Hiếu được khắc họa trong “Cuộc chiến không giới tuyến”, một người canh giữ biên cương, một người bảo vệ vùng biển trời, hải đảo của Tổ quốc, trở thành một hình ảnh đẹp, mang ý nghĩa biểu tượng cho những người lính Cụ Hồ thời kỳ mới. Thông qua câu chuyện của những người lính trẻ, chuyện phim cũng trở nên mềm mại, thú vị hơn. Trong quá trình biên kịch, chúng tôi chú trọng đến các bối cảnh, tình tiết, lời thoại rất đời trong sự kết nối chuyện cũ-mới để tạo xúc cảm cho người xem. Chẳng hạn ở bối cảnh Trung tá Trần Đình Trung về quê giỗ ông nội, lúc chia tay để trở lại đơn vị được bà và cô tiễn ở cổng nhà, bà nội và cô của Trung có lời thoại hết sức xúc động: “Thằng anh, thằng em đi hết lượt cả/- Mẹ phải quen đi chứ! Mẹ là vợ lính, là mẹ của lính, bây giờ là bà nội của lính/- Con là con của lính, là em của lính, là cô của lính. Con cũng đang phải quen đây này!/- Thứ tao quen nhất là cái bóng sau lưng thôi!”. Thời bình, nhưng đang có rất nhiều gia đình người lính chung bối cảnh như vậy.

Khi phim phát sóng, ngay những tập đầu tiên, chúng tôi rất phấn khởi, tự hào và có thể nói là ngoài mong đợi khi nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Đây là tín hiệu tốt, tạo đà để chúng tôi bắt tay triển khai kịch bản cho bộ phim thuộc dự án, sản xuất năm 2024 làm sao hấp dẫn hơn, chất lượng cao hơn, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả.

Nhà báo Trần Bích Hạnh (Báo VietNamNet): Sau 15 tập lên sóng, bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến” đã khiến khán giả yêu phim truyền hình không còn tâm lý xem một bộ phim tuyên truyền nữa mà thực sự bị cuốn vào một tác phẩm mới lạ từ đề tài cho đến bối cảnh. Tôi nhận được thông tin từ VFC, phim thuộc tốp 5-10 chương trình có rating cao nhất toàn quốc. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho mảng đề tài lớn là hình tượng người lính thời bình đang khá khiêm tốn trong số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật hiện nay. Xem phim, lần đầu tiên khán giả được biết đến những nghi thức giao ca, thủ tục công bố cột mốc biên giới, cách thức huấn luyện lính hải quân, cảnh tập trận với nhiều trang thiết bị, khí tài hạng nặng... Trong đó, tôi rất ấn tượng với cảnh công bố cột mốc. Hình ảnh người chiến sĩ biên phòng lau tấm đá hoa cương phân định cột mốc bằng thái độ nâng niu, trân trọng thật sự gây xúc động vì mỗi tấc đất, mỗi tấm đá tưởng như vô tri kia là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Phim xây dựng các nhân vật khá tốt, khắc họa rõ nét tính cách của từng người và tạo dựng tình tiết hợp lý để các nhân vật va đập nhau, giúp phim kịch tính. Lâu nay, màn ảnh nhỏ khá hiếm dòng phim chính luận, những bộ phim phản ánh cuộc sống người dân ở vùng sâu, vùng xa. “Cuộc chiến không giới tuyến” với nội dung gay cấn, cách kể hấp dẫn, dàn diễn viên nhập vai là điểm sáng hiếm hoi, cho thấy phim tuyên truyền, đặt hàng vẫn có thể thu hút người xem như nhiều dòng phim giải trí khác. Hy vọng sẽ có nhiều dự án phim thế này ra đời để góp phần lan tỏa giá trị, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

“Cuộc chiến không giới tuyến” xoay quanh Trung tá Trần Đình Trung, một quân nhân ưu tú, được điều động làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Luông. Anh cùng đồng đội ngày đêm canh giữ biên cương, chiến đấu với tội phạm ma túy, buôn lậu và thực hiện nhiều công tác đặc thù khác để giúp cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số tốt hơn. Một tuyến truyện khác là câu chuyện của Hiếu - em trai của Trung, vốn ngỗ ngược nhưng dần dần trưởng thành trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại một đơn vị hải quân. Hình ảnh hai anh em Trung - Hiếu, một người canh giữ vùng biên, một người bảo vệ vùng biển trời Tổ quốc, mang ý nghĩa biểu trưng cho Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Báo Quân đội nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt: Xây bản sắc để vươn xa

Điện ảnh Việt: Xây bản sắc để vươn xa

Trong thành công của không ít phim Việt ở cả hai phương diện doanh thu phòng vé và các giải thưởng, một điểm dễ nhận thấy là nhiều nhà làm phim đang chú trọng hơn vào yếu tố bản sắc. Đó là những câu chuyện tuy đậm đặc tính bản địa nhưng vẫn mang tầm phổ quát với mục tiêu chinh phục không chỉ khán giả trong nước.

Sách thiếu nhi chào hè và 1/6

Sách thiếu nhi chào hè và 1/6

Chào đón mùa hè và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu nhiều đầu sách mới với các thể loại phong phú, đa dạng dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.

Lan tỏa nghệ thuật hát xẩm theo cách của người trẻ

Lan tỏa nghệ thuật hát xẩm theo cách của người trẻ

Trước guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, những tưởng giới trẻ đang dần thờ ơ với các giá trị nghệ thuật truyền thống. Nhưng không, vẫn có những người trẻ âm thầm thắp lên ngọn lửa tình yêu với di sản văn hóa cha ông. Trong đó, nhóm bạn trẻ đến từ Xẩm 48h là ví dụ tiêu biểu.

Xa rồi thời băng đĩa

Xa rồi thời băng đĩa

Một ngày lang thang hóng gió, tôi bất ngờ nhìn thấy một cửa hàng băng đĩa cũ kỹ, nép mình “lạc lõng” giữa tuyến phố Cốc Lếu (thành phố Lào Cai). Cửa hàng chỉ rộng khoảng chục m2, như một “nốt trầm” giữa phố xá sầm uất. Có lẽ đây là cửa hàng bán băng đĩa duy nhất còn lại ở thành phố này.

Tháo gỡ "nút thắt" của ngành điện ảnh

Tháo gỡ "nút thắt" của ngành điện ảnh

Liên quan đến hàng loạt “nút thắt”, thậm chí đã kéo dài nhiều năm, tại cuộc họp báo kỳ quý I/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã trả lời báo chí về những vấn đề “nóng” của ngành đang được dư luận quan tâm.

Những quán cafe “mộc” bình yên

Những quán cafe “mộc” bình yên

Gỗ là chất liệu được sử dụng trong kiến trúc Việt Nam khá nhiều vì tạo hiệu ứng ấm áp, gần gũi. Sự mộc mạc, chân chất nhưng không kém phần tinh tế sang trọng của gỗ trở thành điểm đặc biệt trong các thiết kế quán cafe.

Phép thử cho âm nhạc

Phép thử cho âm nhạc

Thời gian gần đây, những chất liệu nghệ thuật truyền thống, dân gian, văn học… đang được nhiều nghệ sĩ trẻ đưa vào các tác phẩm, tạo ra sắc màu mới cho âm nhạc Việt Nam.

Những tâm huyết của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong "Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật"

Những tâm huyết của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong "Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật"

“Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” là công trình nghiên cứu tâm huyết cả cuộc đời của nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền. Dành nhiều năm trời đi lại, ghi chép, thu âm… từ các nghệ nhân cao niên, tâm nguyện lớn nhất của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là có thể cho ra một bộ “sách giáo khoa” về ca trù, các thể cách, lối hát, âm luật… thật chuẩn mực, để những người trong nghề lấy đó làm quy chuẩn.

fb yt zl tw