LCĐT - Sau 63 năm hoạt động, nguồn “vàng nâu” ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu nguyên liệu quặng apatit cho sản xuất phân bón trong nước ngày càng cao. Điều đó đòi hỏi Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam cần có chiến lược với những định hướng và giải pháp cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Trọng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam (Công ty Apatit Việt Nam) về những định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Trước hết, xin đồng chí cho biết tầm quan trọng và tính chiến lược của việc khai thác quặng apatit đối với sản xuất phân bón trong nước?
Đồng chí Nguyễn Trọng Phú: Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp, tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định cơ cấu nền kinh tế. Vì vậy, việc khai thác, chế biến quặng apatit làm nguyên liệu cho sản xuất phân bón trong nước có ý nghĩa rất quan trọng và phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước.
![]() |
Khai thác quặng apatit tại khai trường Mỏ Cóc. |
Phóng viên: Rõ ràng việc khai thác quặng apatit có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất phân bón trong nước. Tuy nhiên, việc khai thác quặng apatit thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do trữ lượng và chất lượng quặng giảm. Điều đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Trọng Phú: Công ty Apatit Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường trên 2,5 triệu tấn quặng apatit các loại, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất phân bón chứa lân và sản xuất các sản phẩm khác có gốc từ quặng apatit, ngoài ra còn xuất khẩu (khi được phép của Chính phủ). Việc khai thác quặng apatit đã được thực hiện từ trước năm 1954 (do Pháp, Nhật khai thác) và từ năm 1955 đến nay, do chúng ta trực tiếp khai thác. Sau 63 năm khai thác, nguồn quặng I và quặng II (giàu) đang dần cạn kiệt, chiếm 1% - 2% tổng trữ lượng, chỉ còn lại các loại quặng nghèo, phải qua công nghệ nghiền tuyển mới sử dụng được. Tại thời điểm này, thậm chí 5 - 10 năm nữa, chỉ có Công ty Apatit Việt Nam mới có hệ thống nhà máy tuyển nổi làm giàu quặng nghèo (gồm 3 nhà máy tuyển, với tổng sản lượng quặng tinh tuyển có thể đạt 1,5 triệu tấn/năm). Đây là nguồn nguyên liệu không thể thiếu cho sản xuất DAP, supe lân, NPK, axit phosphoric… Về quản lý, khai thác, sử dụng quặng apatit, đặc biệt là tuyển quặng nghèo, với bề dày truyền thống và kinh nghiệm, kết hợp đầu tư công nghệ hiện đại, Công ty Apatit Việt Nam là doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực ASEAN về khai thác và tuyển quặng apatit.
Như đã nói, do trữ lượng quặng I và quặng II (giàu) đang dần cạn kiệt, nên phải tăng cường tuyển các loại quặng nghèo, dẫn đến chi phí sản xuất ngày càng lớn. Trong khi đó, công tác xin cấp phép khai thác quặng apatit tại các khai trường còn kéo dài, chưa được giải quyết, có thời điểm phải dừng khai thác một số khai trường, dẫn đến không cân đối đủ nguồn quặng cho sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và nguyên liệu cho các nhà máy tuyển. Những khó khăn trên đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập của người lao động.
Phóng viên: Vậy, định hướng và giải pháp của công ty để hướng tới sự phát triển bền vững là gì?
Đồng chí Nguyễn Trọng Phú: Trong định hướng phát triển, mục tiêu cốt lõi được xác định, đó là xây dựng Công ty Apatit Việt Nam có quy mô sản xuất lớn, trên cơ sở hiệu quả, phát triển bền vững, đáp ứng đủ nguyên liệu quặng apatit cho các nhà máy chế biến trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đưa công ty trở thành doanh nghiệp mạnh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, của tỉnh Lào Cai, trong nước và hướng tới khu vực.
Để thực hiện mục tiêu này, công ty đề ra 5 nhiệm vụ chiến lược, đồng thời cũng là các giải pháp cơ bản. Đó là, tiếp tục thăm dò, khai thác, tuyển quặng apatit, đáp ứng đủ quặng apatit cho sản xuất phân bón và các sản phẩm có gốc từ quặng apatit; tập trung chế biến sâu các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao từ nguồn quặng apatit, như axit phosphoric, phân bón DAP, DCP và các loại phân bón, hóa chất khác; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp có tri thức và thực tiễn, đủ năng lực điều hành công ty một cách năng động, sáng tạo và hiệu quả cao; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đủ năng lực làm chủ công nghệ sản xuất và vận hành, quản lý tốt thiết bị trong dây chuyền công nghệ, lao động đạt năng suất, chất lượng cao, an toàn và hiệu quả; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có khả năng nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến các lĩnh vực sản xuất của công ty, có đủ trình độ để tiếp cận, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo vấn đề môi trường và phát triển bền vững.
Trong kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2015 - 2020, có tính đến năm 2030, công ty sẽ tập trung xây dựng nhà máy tuyển quặng II, quặng IV, công suất 800.000 tấn/năm (chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đạt 400.000 tấn/năm); xây dựng nhà máy sản xuất axit phosphoric, cùng với các nhà máy phân bón vệ tinh, như DAP, DCP, MAP, phân lân giàu, NPK; xây dựng phòng thí nghiệm tuyển nổi hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới; khai thác xuống sâu, tận thu các nguồn quặng phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân; tiếp tục thăm dò, tìm kiếm quặng apatit khu vực Lào Cai phục vụ chiến lược phát triển đất nước.
Phóng viên: Bên cạnh giải pháp đã đề ra, công ty cần có những kiến nghị gì với Chính phủ?
Đồng chí Nguyễn Trọng Phú: Để hướng tới sự phát triển bền vững, công ty kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công thương xem xét việc thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 20/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 để có đánh giá, hiệu chỉnh, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nguồn quặng apatit khu vực Lào Cai. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách, quy định, quy trình hợp lý, thông thoáng về cấp quyền thăm dò, khai thác, tạo điều kiện cho công ty quản lý, khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này. Có chính sách ưu tiên về thuế, phí, đặc biệt là đối với việc khai thác, tuyển quặng nghèo để tận thu tài nguyên; bổ sung kinh phí để công ty tiếp tục thăm dò, tìm kiếm nguồn quặng apatit tại khu vực Lào Cai, phục vụ phát triển lâu dài ngành sản xuất phân bón chứa lân và ngành hóa chất Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Nam (Thực hiện)