Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung: “Thực hiện hiệu quả các chính sách về phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc”. Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ nâng cao đời sống, an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách đầu tư cho vùng cao. Cơ quan chuyên môn, nòng cốt là Ban Dân tộc đã tham mưu tích cực, chủ động cơ chế, cách thức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả là tiến độ giải ngân năm 2024 đạt mức cao nhất từ khi thực hiện chương trình đến nay. Đến 31/12/2024, tỉnh đã giải ngân 95% nguồn vốn đầu tư, giải ngân vốn sự nghiệp đạt 62%, xếp tốp đầu toàn quốc. Nhờ đó kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng ở nhóm cao, tạo điều kiện thực hiện tốt an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung, bền vững với những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là cơ sở hình thành chuỗi sản phẩm OCOP bền vững, nổi bật như vùng chè hàng hóa huyện Mường Khương, vùng chuối xuất khẩu tại huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên. Năm 2024, toàn tỉnh có 43/128 chủ thể là đồng bào dân tộc thiểu số có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Một số sản phẩm ngày càng vững về thương hiệu, danh tiếng như thuốc tắm, vải dệt thổ cẩm, thịt trâu sấy, các sản phẩm từ cá hồi.
Trong phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng tiếp tục được khai thác mạnh, sản phẩm văn hóa tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hấp dẫn du khách khi đến với Lào Cai. Toàn tỉnh hiện có 31 điểm du lịch cộng đồng, 1 khu du lịch tầm cỡ quốc gia với hơn 300 cơ sở lưu trú dịch vụ homestay; du lịch mang lại nguồn thu nhập khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm cho mỗi cơ sở lưu trú nhỏ lẻ tại các địa phương. Tiêu biểu như nhóm cơ sở lưu trú của đồng bào Giáy tại xã Tả Van, đồng bào Dao tại xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa), đồng bào Tày tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) được Hiệp hội Du lịch các quốc gia Đông Nam Á công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.
Kinh tế khởi sắc góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo là 24,13%, hết năm 2024 giảm còn 17,94% (giảm 6,19%). Năm 2023, toàn tỉnh có 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Nhờ nguồn lực đầu tư, năm 2024 con số này đã nâng lên 95%. Đến nay, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,62%; có 95,2% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trong năm qua, công tác phòng chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai tiếp tục được Lào Cai đặc biệt quan tâm. Khi bão số 3 (Yagi) ảnh hưởng đến Lào Cai, hàng nghìn hộ dân, trong đó phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ di chuyển kịp thời ra khỏi điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, qua đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Sau bão, các cấp, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp tích cực, nhất là việc vận động các nguồn lực hỗ trợ, tập trung khắc phục kịp thời những mất mát, thiệt hại, khó khăn của người dân. Đến nay, đời sống của các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định.
Với lĩnh vực văn hóa, toàn tỉnh hiện có 141/151 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 93,4%), 1.495/1.555 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 96,2%). Các hoạt động văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai sôi nổi như: “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024; sưu tầm, bảo tồn nghi lễ Then của đồng bào Tày; củng cố hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Nghề dệt của đồng bào Mông xanh; bảo tồn, trao truyền, thực hành văn hóa phi vật thể đồng bào Mông. Công tác giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh, nhất là đầu tư hạ tầng cơ sở trường nội trú, bán trú; chính sách hỗ trợ con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học các bậc phổ thông có nhiều điểm đổi mới. Nhờ đó, chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng nâng lên. Trong năm qua, ngoài hàng trăm học sinh giỏi cấp tỉnh, Lào Cai còn có 63 con em đồng bào dân tộc thiểu số là học sinh giỏi cấp quốc gia.
Thực hiện chính sách dân tộc, tỉnh Lào Cai tiếp tục phát huy tốt vai trò của người uy tín trong cộng đồng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động. Năm 2024, trong số 250 người đi lao động ở nước ngoài (có hợp đồng) thì có 145 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có 5.397 ngôi nhà được hỗ trợ xây mới và sửa chữa (trong đó xây mới 3.511 nhà), đa phần tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chuyển đổi số có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh hiện có 99,6% số thôn, tổ dân phố được phủ sóng di động hệ 3G, 4G; 96,4% số thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập internet.
Công tác dân tộc năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đặt ra như tỷ lệ tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; nhận thức pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế; tỷ lệ giải ngân tại một số dự án đầu tư còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng so với mặt bằng chung toàn tỉnh còn khá cao...
Xác định công tác dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, bước vào năm 2025, với khí thế sôi nổi, quyết tâm chính trị cao, các đơn vị, ngành, địa phương, nòng cốt là Ban Dân tộc sẽ tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tín đồ, chức sắc tôn giáo, qua đó tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ưu tiên nội dung tuyên truyền liên quan đến giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm, phong trào xóa nhà tạm, cải tạo tập quán lạc hậu, giảm nghèo bền vững.
Các cơ quan liên quan cũng tham mưu tích cực nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy làm công tác dân tộc đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; gắn với sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Tỉnh ủy.
Về nhiệm vụ cụ thể, công tác dân tộc năm 2025 sẽ hướng mạnh hơn tới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới phương pháp công tác vùng dân tộc thiểu số với phương châm nắm chắc tình hình, đúng quy định, thống nhất, tạo sự đồng thuận và coi trọng nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Tập trung giải quyết những bức xúc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là vấn đề đất đai, nước sinh hoạt, điều kiện sản xuất, đào tạo nghề và tạo việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội. Điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa các giai tầng, cải thiện công bằng xã hội; xử lý nghiêm minh hành vi, biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, quan tâm công tác đối ngoại nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới.
Công tác dân tộc được triển khai tích cực và triển khai có trọng tâm, trọng điểm sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhanh, mạnh, vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo, để tỉnh Lào Cai tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.