Dự hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Báo cáo kết quả tại hội nghị nêu rõ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), các chính sách an sinh xã hội nên tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN năm 2024 tiếp tục phát triển. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS&MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7%/năm. Đến nay, 98,4% số xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% số xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn; trên 90% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tại hội nghị đại biểu các tỉnh, thành phố đã tham luận với các ý kiến trọng tâm về khó khăn đặc thù của từng vùng, miền như: Tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN còn có nhiều khó khăn; công tác xóa đói, giảm nghèo tuy có tiến bộ, song tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao; công tác giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp; tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN tại các bộ, ngành và các địa phương nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra…
Năm 2024 tỉnh Lào Cai đã có 100% đường từ trung tâm xã xuống trung tâm thôn, bản đã được cứng hóa bằng mặt đường bê tông xi măng; hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 161 công trình giáo dục, 3 dự án về y tế, xây mới 3.511 nhà, cải tạo sửa chữa 1.886 nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, 99,87% số thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, trong đó tỷ lệ hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia là 97,62%; tỷ lệ hộ người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 95,2%. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ước giảm 6,19% so với năm 2023.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2024, công tác dân tộc năm 2025 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. Tiếp tục rà soát toàn bộ thể chế, quy chế để phù hợp, hiệu quả với với bộ máy tổ chức mới; đồng thời tham mưu tổng kết các chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, tham mưu ban hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn 2026 - 2030 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021 - 2030. Hoàn thành các đề án, chính sách dân tộc trong chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025 theo đúng thời hạn được giao, đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện tạo chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN, Chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất nhiệm vụ giai đoạn 2026 - 2030…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh công tác dân tộc và chính sách dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm thay đổi đời sống vùng đồng bào DTTS&MN.
Để công tác dân tộc và chính sách phát triển miền núi đạt hiệu quả, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai việc thực hiện các chính sách dân tộc phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đồng thời đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc…