
Với tốc độ phát triển nóng như hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng rất nhanh và sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nữa. Vì vậy, để giải cơn khát về nhân lực trong thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đạt được mục tiêu “Phát triển nguồn nhân lực trong thương mại điện tử” theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.
Nhận định từ các chuyên gia, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tới 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 10 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thương mại điện tử, xếp thứ 5 thế giới về tốc độ phát triển. Thương mại điện tử đang tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số và trở thành trụ cột trong nền kinh tế số. Thế nhưng, trong lúc tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão, thị trường lao động lại phát triển không đồng bộ, nhân lực phục vụ cho ngành cũng chưa được quan tâm đào tạo đúng mức.
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực cần có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và ngoại ngữ… đòi hỏi thời gian đào tạo dài; các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời điểm thiếu nhân lực. Do vậy, đào tạo chính quy dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học trở thành giải pháp căn cơ cho nguồn nhân lực chất lượng cao của thương mại điện tử trong tương lai.
“Tại các cơ sở giáo dục, thương mại điện tử là một trong những ngành học mang tính xu hướng, mang đến cơ hội việc làm rộng mở và đa dạng với mức lương hấp dẫn, cùng môi trường làm việc năng động”, bà Lê Hoàng Oanh bày tỏ.
Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy: Chỉ 30% nhân lực làm việc tại doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện được đào tạo bài bản, chính quy. 70% còn lại xuất thân từ các ngành khác như kinh doanh, công nghệ thông tin, marketing... và phải tự học, tự đào tạo để thích ứng với công việc. Điều này cho thấy nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực về thương mại điện tử rất lớn.
Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chỉ rõ, số lượng trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam là trên 500; trong đó, 36 trường đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử, trên 50 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Con số này còn khá hạn chế để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại như giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn…
Theo đại diện Lazada, không chỉ các sàn thương mại điện tử có nhu cầu mà ngay cả doanh nghiệp bán lẻ đang chuyển đổi số, chuyển dịch kinh doanh lên thương mại điện tử cũng cần nhân lực chuyên ngành để triển khai. Đây là lý do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thương mại điện tử liên tục tăng nhanh.
Thực tiễn cho thấy, dù tốc độ đào tạo nhân lực thương mại điện tử trong các trường đại học đã tăng gần 30% nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu tăng trưởng, phát triển của ngành. Điều này đòi hỏi các trường đại học cần nỗ lực, nâng cao hơn về chất lượng, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade (Công ty TNHH Interspace Việt Nam) nêu rõ: Hiện tại, Việt Nam chỉ đào tạo được khoảng 10.000 - 15.000 sinh viên ngành thương mại điện tử mỗi năm, trong khi chỉ riêng Shopee đã có hơn 600.000 gian hàng đang vận hành cần có nhân sự. Nếu mỗi doanh nghiệp chỉ cần một người, phải mất... 30 năm mới có đủ nhân lực cho ngành. Hơn nữa, việc đào tạo nhân lực cho thương mại điện tử còn thiếu bài bản, chưa có tiêu chuẩn trong khi thương mại điện tử đang tạo ra hàng triệu công ăn việc làm và giúp tăng cơ hội xuất khẩu xuyên biên giới.
Nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cập nhật chính sách mới về thương mại điện tử cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (EcomViet - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã phối hợp với các sở, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba triển khai hàng loạt chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã cùng Amazon Global Selling ký thoả thuận cùng triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 để nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương.
Điển hình như việc EcomViet thường xuyên phối hợp với các Sở Công Thương, các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba triển khai nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo tại địa phương. Các khóa tập huấn này thu hút sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ quản lý và trường đại học.
Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại 238 trường đại học cho thấy, đã có 47% các trường triển khai đào tạo học phần thương mại điện tử; trong đó, có 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành chính quy. Ngoài ra, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử, trong đó, mục tiêu đào tạo nhân lực làm trung tâm phát triển thương mại điện tử địa phương.
Đánh giá về vấn đề này, ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: Để tăng chất lượng hoạt động đào tạo thương mại điện tử cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đáng lưu ý, trọng tâm chú trọng việc đẩy mạnh sự kết nối giữa trường học và doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo nghề thương mại điện tử phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp để sinh viên thực hành thực tế, cập nhật công nghệ, quy trình vận hành thương mại trực tuyến. Cùng đó, khuyến khích các trường tổ chức học phần ứng dụng thực tiễn như xây dựng website thương mại điện tử, vận hành chiến dịch quảng cáo, livestream bán hàng.
Nằm trong chuỗi chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, mới đây Công ty Happy Money đã tổ chức khóa đào tạo với chủ đề “Chuyên nghiệp trong từng tương tác - Phong cách giao tiếp chuẩn Happy Money” cho gần 200 cán bộ nhân viên khối phòng giao dịch và các bộ phận liên quan dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia đào tạo kỹ năng doanh nghiệp.
Nội dung đào tạo được thiết kế chuyên sâu, hướng đến việc chuẩn hóa phong cách giao tiếp, hình thành tác phong chuyên nghiệp và xây dựng hình ảnh nhân sự phù hợp với đặc thù của ngành. Không chỉ lý thuyết, buổi đào tạo được lồng ghép nhiều hoạt động thực hành tương tác giúp nhân viên Happy Money dễ dàng áp dụng trực tiếp vào công việc nâng cao chất lượng đội ngũ tại các điểm chạm dịch vụ, nhất là khối phòng giao dịch, nơi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khách hàng.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tuyên truyền và phát triển nguồn nhân lực, theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tại các địa phương; trong đó, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử. Ngoài ra, Cục sẽ thường xuyên phối hợp với các sở, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba triển khai hàng loạt chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mặt khác, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ hỗ trợ các trường bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo, bài giảng, học liệu, thực tập và kiến tập cho giảng viên, sinh viên và giúp giảng viên, sinh viên cập nhật chính sách, xu hướng mới của kinh doanh số và công nghệ trong lĩnh vực này. Qua đó, giải cơn khát về nhân lực cho thương mại điện tử, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, tự tin, chuẩn mực trong từng tương tác nhằm gia tăng niềm tin với khách hàng hướng tới phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.