Theo thống kê của chuyên trang về xu hướng thị trường Future Market Insights, thị trường du lịch âm nhạc trên toàn cầu đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán đạt 11,3 tỷ USD trong 10 năm tới. Mặc dù Bắc Mỹ và châu Âu vẫn là các khu vực dẫn đầu nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phát triển rất nhanh chóng.
Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch âm nhạc bởi chúng ta có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, có thể kết hợp giữa âm nhạc với nhiều yếu tố khác để tạo ra các sản phẩm du lịch âm nhạc độc đáo.
Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sự thân thiện, hiếu khách của người dân, nhịp sống sôi động tại các thành phố lớn cũng là những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch âm nhạc. Hiện nay xu hướng này đang bắt đầu được công chúng Việt Nam quan tâm nhiều hơn, mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch.
Thực tế, Việt Nam là một trong những nước có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến tổ chức các sự kiện âm nhạc. Có thể kể đến: Chương trình biểu diễn "BornPink" của nhóm nhạc Blackpink (tháng 7/2023), lễ hội âm nhạc quốc tế 8 Wonder (tháng 7/2023) với sự góp mặt của "giọng ca tỷ view" Charlie Puth, đại nhạc hội 8 Wonder Winter Festival với nhóm nhạc pop-rock huyền thoại Maroon 5 (tháng 12/2023), đêm nhạc Westlife "The Hits Tour 2024" (tháng 6/2024)…
Những sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế luôn thu hút lượng lớn người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự, kéo theo những dịch vụ du lịch đi kèm cũng được hưởng lợi rất nhiều. Đơn cử như thời điểm nhóm Blackpink biểu diễn tại Hà Nội, Sở Du lịch ước tính, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội khoảng hơn 170.000 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Cũng trong hai đêm diễn của nhóm Blackpink, công suất phòng các khách sạn quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình tăng 20%.
Không chỉ các sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế, những chương trình lưu diễn của các ca sĩ nổi tiếng trong nước như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Đen Vâu… cũng thu hút đông khán giả đến xem đồng thời trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại điểm đến. Xu hướng du lịch âm nhạc hiện đang được nhiều địa phương đẩy mạnh.
Một số chương trình du lịch kết hợp các buổi biểu diễn quy mô nhỏ đã diễn ra khá thành công như: Vườn âm nhạc được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Soul of the Forest - Đêm nhạc giữa rừng thông được tổ chức tại Flamingo Đại Lải resort; Hoa Bay tại Khu du lịch Tam Đảo, các đêm diễn Mây Lang Thang tại Đà Lạt...
Theo thống kê của ngành du lịch Đà Lạt, mỗi buổi biểu diễn quy mô nhỏ của các ca sĩ luôn thu hút ít nhất 500-700 du khách, và con số này tăng gấp nhiều lần đối với những ca sĩ được nhiều khán giả mến mộ. Thí dụ hai đêm diễn của ca sĩ Hà Anh Tuấn đã thu hút khoảng 10.000 du khách mang đến thành phố này.
Dù có tiềm năng rất lớn nhưng phát triển du lịch âm nhạc ở Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch âm nhạc trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức các sự kiện âm nhạc gắn với phát triển du lịch.
Dù có tiềm năng rất lớn nhưng phát triển du lịch âm nhạc ở Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp và cá nhân vào phát triển du lịch âm nhạc cũng như các hình thức hỗ trợ về pháp lý, giảm thuế cho các hoạt động liên quan đến tổ chức sự kiện âm nhạc. Việt Nam cũng cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức, các nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam tổ chức các buổi biểu diễn.
Cùng với đó, nên tổ chức thường xuyên những lễ hội âm nhạc có quy mô lớn, chất lượng cao tại một thành phố cố định, trong khoảng thời gian cố định để hình thành thói quen du lịch âm nhạc. Các công ty lữ hành cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị tổ chức sự kiện nhằm bảo đảm chính sách bình ổn giá cho du khách; bảo đảm năng lực tiếp đón, phục vụ lượng khách lớn đi du lịch kết hợp dự sự kiện âm nhạc.