Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, bà con nông dân đang tập trung ra đồng nhổ cỏ bờ, làm cỏ ruộng.
Chị Hoàng Thị Phương- nông dân xã Bản Qua- cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình cấy hơn 4 sào giống lúa Séng cù. Do chủ động gieo cấy sớm và thời tiết thuận lợi, nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh rộ. Gia đình đang tập trung phát quang bờ ruộng, làm cỏ và bón phân cho lúa, đồng thời theo dõi diễn biến thời tiết, thường xuyên thăm đồng để chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Còn tại xã Mường Vi, thời điểm này, bà con đang huy động nhân lực làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa lúa xuân.
Ông Tẩn Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi cho biết: Vụ lúa xuân năm nay, nông dân trong xã gieo cấy hơn 165 ha, với cơ cấu giống chủ yếu là lúa Séng cù - đây là loại giống cho chất lượng gạo ngon và giá trị kinh tế cao.
Để đảm bảo vụ xuân thắng lợi, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên cùng bà con kiểm tra đồng ruộng; hướng dẫn trực tiếp cho bà con kỹ thuật chăm sóc và sử dụng phân bón hợp lý; khuyến cáo về việc thường xuyên thăm đồng để theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, từ đó có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, những cánh đồng lúa ở xã Mường Vi đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, nguồn nước phục vụ sản xuất lúa năm nay dồi dào và thuận lợi.
Theo ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, vụ lúa xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 1.000 ha lúa. Cơ cấu giống được lựa chọn là các loại lúa cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, trong đó có giống lúa Séng cù, nếp.
Hiện thời tiết thuận lợi để cây lúa phát triển nhưng đây cũng là thời điểm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân, bệnh đạo ôn... gia tăng và gây hại. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện phối hợp chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi các đối tượng sâu hại để có biện pháp phòng, trừ kịp thời.
Còn tại huyện Văn Bàn, vụ xuân năm 2024, toàn huyện gieo cấy trên 3.000 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao. Nhờ chuẩn bị tốt giống, vật tư nông nghiệp ngay từ đầu vụ và gieo cấy đúng khung thời vụ nên đến thời điểm này, các trà lúa xuân trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.
Bà Nông Thị Lan ở xã Võ Lao, huyện Văn Bàn cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con trong xã đang huy động nhân lực làm cỏ, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc phân giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe và phát triển. Đồng thời tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 9.728/9.800 ha lúa vụ xuân, đạt 99,3% kế hoạch. Riêng huyện Bắc Hà và huyện Mường Khương dự kiến sẽ hoàn thành việc gieo cấy toàn bộ diện tích lúa xuân trong tuần tới.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, đến nay, diện tích lúa cấy sớm đang giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ; trà lúa chính vụ đang giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh; trà lúa cấy muộn đang giai đoạn hồi xanh. Diễn biến thời tiết thuận lợi, công tác chăm sóc được nông dân các địa phương thực hiện kịp thời, nên cây lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Ngô Quyền, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để đảm bảo cho vụ lúa xuân thắng lợi, ngành nông nghiệp đã sớm có hướng dẫn Nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật (như IPM, ICM, thâm canh lúa cải tiến SRI…) để điều tiết và tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa sâu bệnh hại. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, giảm dần việc sử dụng phân bón vô cơ, nhằm giảm áp lực chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất.
Cùng với đó, khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh hại chính như rầy, sâu đục thân, đạo ôn, khô vằn, bạc lá… nhằm giảm thiểu đối đa thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra; tiến hành làm cỏ, bón phân cân đối, hợp lý đúng thời điểm, đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.