Diễn đàn gồm hai phiên với các chủ đề "Bài học kinh nghiệm và cam kết hỗ trợ cho Việt Nam chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững" và "Các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp". Các diễn giả tập trung thảo luận về các biện pháp thực thi chính sách và cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới, đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, chuyển đổi xanh không chỉ là công nghệ hướng tới môi trường mà còn là thay đổi cả quy trình sản xuất kinh doanh hướng tới nâng cao tính hiệu quả hoạt động. Mục tiêu thứ hai là giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
“Nhiều tập đoàn trên thế giới, khi đang ở trên đỉnh cao của thành công nhưng nếu không đổi mới công nghệ thì hoàn toàn có thể sẽ phá sản. Chúng ta cần phải xem trong các doanh nghiệp thì cách thức đổi mới như thế nào, thay đổi quy trình như nào, thay đổi sản phẩm ra sao, chứ không phải đơn thuần là mua phần mềm về, mua nền tảng về. Mục tiêu đặc biệt quan trọng của sự kiện này là chúng ta tạo ra nhiều sự kết nối, sau đó sẽ có nhiều sự chuyển đổi, chuyển giao công nghệ, đặc biệt giữa các công ty về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến các doanh nghiệp, các địa phương”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết thêm.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang chuyển nhanh sang kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp... trong đó, kinh tế số là trọng tâm.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin (tin học hóa) sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội lớn, từ việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.
“Việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh luôn đồng hành với nhau. Muốn nền sản xuất xanh hơn, ít phát thải hơn và bền vững hơn về môi trường, chúng ta cần nâng cấp công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất, hiện đại hóa hệ thống và ứng dụng công nghệ mới để sao cho các công nghệ cũ kỹ không còn là trọng tâm nữa. Mới đây, chúng tôi đã đưa ra 1 nền tảng Siemens Xcelerator. Đây là phương thức hiệu quả, bền vững nhất để các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau trong quy trình chuyển đổi số”, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng bộ phận công nghiệp ô tô SIEMENS Việt Nam chia sẻ.
Tại diễn đàn, 8 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các bên đã được trao như: Chuyển giao công nghệ nuôi yến, cá lăng và trồng cây tuần hoàn theo mô hình nông nghiệp hữu cơ và công nghệ lượng tử; Chuyển giao công nghệ bảo vệ dữ liệu Nand Flash và Hợp đồng xây dựng nền tảng quản trị du lịch toàn diện...