Dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan trung ương và lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc, năm 2024, phát triển kinh tế - xã hội của Vùng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tốc độc tăng trưởng GRDP ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân toàn quốc; thu ngân sách nhà nước toàn vùng khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán Trung ương giao); kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 72 tỷ USD.
Toàn Vùng có 37 khu công nghiệp đã thành lập, 26 khu công nghiệp đang hoạt động. Vùng có 1.043 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 51,8%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 15,1%. Trong khi đó, thu nhập của người dân được cải thiện, nguồn lực đầu tư tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, dân vận… được triển khai sát sao, thường xuyên; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy, niềm tin của Nhân dân được củng cố, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu.
Sau tham luận của các ngành, địa phương, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần tích cực, chủ động hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả các hoạt động điều phối vùng, đặc biệt là các dự án vùng và liên vùng. Các tỉnh xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia là một nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Các tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra. Trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là khai thác có hiệu quả mạng lưới giao thông đồng bộ kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực và các quy hoạch của 14 địa phương trong vùng. Nguyên tắc triển khai là công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, tích cực thu hút các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển vùng, nhất là những chính sách đặc thù phát triển Vùng.