Chợ đêm giữa lòng phố biển


Gọi là chợ đêm, nhưng từ chiều muộn, các cửa hàng đã mở cửa. Đến khi
bóng tối nhẹ nhàng kéo xuống thì khách mới thực sự đông vui, nhộn nhịp.

Nằm ngay ngã ba đường Bạch Đằng và đường Nguyễn Đình Chiểu của phường Dương Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, khu chợ đêm là nơi du khách tìm đến mua sắm, dạo chơi sau một ngày trải nghiệm, khám phá đảo ngọc.

Tôi tìm đến chợ khi trời mới chạng vạng, còn chút ráng vàng cố níu lại trên nền trời. Ngay đầu chợ, một chiếc xe nhỏ đỗ với tấm biển khá bắt mắt: Chỉ tơ hồng Phú Quốc. Đó là tên một thứ quà ăn vặt khá phổ biến ở đây.

Nở nụ cười mời khách, anh Nguyễn Vũ Linh nhanh tay kéo một mẩu kẹo màu hồng nhạt. Đó là thứ mạch nha được nấu lên hòa với vị hương dâu. Khi cô lại, kẹo dẻo, dai. Anh nhanh tay kéo ra chập lại nhiều lần, rồi xoa vào bột năng làm cho miếng kẹo tơi ra như những sợi chỉ mềm mại. Cuộn chỉ kẹo được đặt vào miếng bánh tráng, rắc chút dừa nạo, lạc rang, sữa đặc và hương liệu như cà phê, trà xanh, dâu tây.

Khu chợ đêm Phú Quốc nhộn nhịp khách tham quan, mua sắm.

Khu chợ đêm Phú Quốc nhộn nhịp khách tham quan, mua sắm.

Vậy là xong món kẹo chỉ tơ hồng 10.000 đồng nhưng đủ làm du khách vui mắt, ngon miệng. Anh Linh quê ở Cần Thơ, ra Phú Quốc được hơn chục năm, ngày ngày chạy xe rong ruổi bán kẹo chỉ tơ hồng từ đó đến nay. Chợ Phú Quốc mới hình thành được vài năm, thu hút nhiều du khách tham quan nên việc bán hàng của anh Linh khá thuận lợi. Trung bình mỗi tháng, anh có thu nhập chục triệu đồng từ bán kẹo. Đầu tư ít vốn, công việc không nặng nhọc nên vợ anh cũng theo nghề bán kẹo.

Khi vui chuyện, anh bảo: “Ông tơ, bà nguyệt khéo xe để giờ vợ chồng cùng nhau làm kẹo chỉ tơ hồng phục vụ du khách trăm miền. Đó cũng là niềm vui dễ gì mấy người có được”.

Bước sâu vào trong chợ, những hàng quán nối tiếp nhau sáng rực ánh đèn. Tiếng mời chào mua bán, tiếng lạch cạch làm kem cuộn, tiếng vui đùa nói cười khiến khu chợ trở nên tấp nập, đông vui. Nói về món ngon ở chợ Phú Quốc thì khá nhiều để chiều lòng du khách phương xa. Những quán hải sản luôn nhộn nhịp người vào ra. Đồ nướng khá bắt mắt. Tôm, mực, nhum, hàu nướng xèo xèo bơ. Khói bốc lên, mùi thơm lan ra như kích thích, gọi mời những thực khách đang cồn cào bao tử sau hành trình di chuyển ngoài đảo.

Gọi là ăn chơi thì nên thưởng thức mỗi thứ một chút. Những sạp hàng bày la liệt bánh tráng cơm dừa, đậu phộng tẩm ướp hương liệu, bánh bò thốt nốt. Đi chợ Phú Quốc mà cứ ngỡ đang trong một phiên chợ nào đó ở miền Tây Nam Bộ thơm lừng mùi bánh, mùi hoa thơm quả ngọt. Có chỗ lại tanh tao mùi biển với đầy loại hải sản sống, chín tựa ở một làng chài vừa mới lên đèn. Chợ đêm Phú Quốc không kém những đặc sản của phố thị, này kem khói, kem cuộn, nước sinh tố hoa quả, rồi quần áo, đồ dùng trang sức ngọc trai lấp lánh như những thành phố du lịch của Thái Lan hay Singapore... Nói vậy để thấy khu chợ đêm là nơi tập hợp nhiều nét văn hóa vùng miền. Nhiều người từ đất liền ra đây lập nghiệp mang theo đặc sản để góp thêm vào sự phong phú của khu chợ.

Với gần 200 gian hàng san sát nhau, khu chợ níu chân du khách hết cả buổi tối để trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Dù có kinh doanh buôn bán nhộn nhịp, nhưng nét thuần phác của người miền biển vẫn hiện hữu trên từng gương mặt, lời nói, nụ cười.

Thêm nữa, dường như mọi người ở nơi đảo ngọc này đều biết làm du lịch, biết mời gọi du khách đến với mình. Cứ thỏa sức ngắm nghía, thưởng thức để đến khi ra về ai cũng tay xách nách mang nhiều thứ quà cho người thân, bạn bè. Dẫu ban ngày khách có đi thăm các địa điểm nổi tiếng trên đất liền hay rong ruổi hải trình ra các đảo nhỏ thì tối đến vẫn muốn đi bộ hàng ki-lô-mét trong chợ đêm để hòa mình vào không khí vui nhộn, lấp lánh của phố biển.

Tôi trở về sau khi lang thang dọc khu chợ đêm. Tạm xa những ồn ào nơi phố thị, tôi ngả mình trên đệm trắng phau, giấc ngủ chưa kịp kéo đến, trong tâm tưởng vẫn văng vẳng tiếng nói của bà con miền biển phương Nam, vẫn vương mùi khói nướng hải sản, vẫn tiếng lạch cạch kem cuộn, tiếng mời kẹo chỉ tơ hồng. Lên máy bay, tôi rời xa Phú Quốc, trong hành lý gói ghém những thức quà ở khu chợ đêm để lưu kỷ niệm về hành trình mình vừa trải qua.

Quân đội Nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

Không bắt đầu bằng hành trình check-in hay cà phê sáng sang chảnh, chuyến đi của nhóm bạn trẻ “đi cùng Mây” khởi đầu bằng… một nồi phở nghi ngút khói giữa vùng cao Bắc Hà. Trong căn bếp mộc mạc ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, những bạn trẻ tự tay nấu từng bát phở nóng để trao tặng các em nhỏ - những đứa trẻ chưa quen với mùi vị của một bữa sáng đủ đầy.

Sống chậm giữa phố biển

Sống chậm giữa phố biển

Đến Nha Trang (Khánh Hòa), đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển, choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Sau những giờ đắm mình trong biển xanh, thỏa sức vui chơi ở VinWonders, bay bổng cùng dù lượn, hãy dành thời gian len lỏi những con phố, hay đến với những vùng quê ở ngoại thành Nha Trang để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng của phố biển. Vẫn còn có một Nha Trang rất khác, chờ đợi bạn khám phá.

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tỉnh Yên Bái xác định "du lịch văn hóa" là sản phẩm đặc trưng, phát triển theo hướng lấy bản sắc văn hóa làm cảm xúc chủ đạo, nhân dân làm chủ thể, trải nghiệm du khách làm trung tâm. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản, hướng tới “biến di sản thành tài sản”, “biến tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

“Không phải lúc nào người ta cũng có cơ hội để xuôi ngược theo một dòng sông. Nhưng nếu được, hãy đi một lần. Vì đó không chỉ là hành trình về địa lý, với nhà báo đây còn là cơ hội để mình được dấn thân và thể hiện đam mê với nghề” - đó là những dòng tôi viết trong cuốn sổ nhỏ mang theo khi bắt đầu hành trình ngược xuôi theo dòng sông Mẹ.

fb yt zl tw