Nhiều khả năng nguồn gốc lây bệnh là các loài chim trong hành trình trở về từ cuộc di cư tới Nam Mỹ, nơi ghi nhận lượng lớn chim nhiễm H5N1.
Dịch cúm gia cầm thường xuyên bùng phát kể từ khi virus H5N1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996. Kể từ giữa năm 2021, các đợt bùng phát lớn hơn bắt đầu lan rộng về phía nam, đến các khu vực chưa bị ảnh hưởng trước đây, trong đó có Nam Mỹ, khiến nhiều chim hoang dã chết và hàng chục triệu gia cầm bị tiêu hủy.
Cùng thời điểm này, một số loài mòng biển và nhạn biển ở Scotland chết hàng loạt do virus H5N1. Cơ quan nghiên cứu sinh vật Scotland nhận hơn 9.600 báo cáo về vấn đề chim hoang dã chết hoặc nhiễm H5N1. Phần lớn các trường hợp xảy ra tại các địa điểm dọc theo bờ biển phía đông Scotland. Giới khoa học cho rằng, hiện tượng này là bất thường và quần thể chim biển có thể sẽ mất nhiều năm để phục hồi. Theo ước tính, số chim biển chết lên đến 20.000 con.
Tạp chí Nature cho rằng virus H5N1 có dấu hiệu chuyển dịch từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ, giết chết nhiều gia cầm và chim hoang dã, thậm chí còn truyền sang động vật có vú. H5N1 ít có khả năng lây sang người, tuy nhiên theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kể từ năm 2003 tới nay, H5N1 đã được phát hiện ở 873 người, khiến 458 người tử vong.
Theo WHO, việc giải mã gien cho thấy H5N1 có biến đổi. Sự lây lan ngày càng tăng cúm gia cầm ở các loài chim hoang dã đang thúc đẩy sự tiến hóa của nhiều chủng cúm mới. Virus H5N1 có khả năng lây nhiễm rất cao khi một con chim có thể làm lây nhiễm 100 con khác. Virus có trong phân, chất nhầy, máu và nước bọt gia cầm và các loài chim hoang dã.
Tiêu hủy hàng loạt từng là chính sách hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh gia cầm được nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, khi cúm gia cầm phổ biến trong các quần thể chim hoang dã, biện pháp này tỏ ra kém hiệu quả hơn. Hoạt động di cư của chim hoang dã khiến nguồn bệnh lây lan.