Những câu hát đầu tiên của ca khúc cất lên đã khiến người nghe xao xuyến, cảm nhận một Hà Nội mùa thu se lạnh với những dãy nhà cổ kính trầm mặc bên những hàng cây nhuốm sắc màu thời gian và một hương vị riêng có của không gian Thăng Long ngàn năm văn hiến. “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/ Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”...
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. |
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tâm sự: Mùa thu năm 1985, ông vừa có chuyến thăm Liên Xô về tới Hà Nội. Vẻ cổ kính pha nét hiện đại của Hà Nội vào thu thật quyến rũ đã níu chân ông lưu lại nơi đây. Chiều chiều, ông thả hồn bên hồ Tây thơ mộng. Cảnh vật và con người Hà Nội khiến nhạc sĩ xúc động, càng thêm yêu quý mảnh đất hào hoa thanh lịch mà ông thầm thương mến từ xưa.
Vào một đêm thu, tại khách sạn Đồng Lợi (nay là khách sạn Mercure Hanoi la Gare) nằm trên ngã ba Lê Duẩn - Lý Thường Kiệt, Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời/ Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người/ Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai?/ Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/ Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) quê Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Trước năm 1975, ông sáng tác chủ yếu là ca khúc trữ tình, về thân phận con người và một số ca khúc phản chiến, mong ước hòa bình. Sau 1975, ông làm việc tại tạp chí “Sóng nhạc” và Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian này, ông sáng tác một số ca khúc như "Em ở nông trường, em ra biên giới", "Huyền thoại Mẹ", "Ánh sáng Mạc Tư Khoa", "Em là hoa hồng nhỏ", "Tuổi đời mênh mông", “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tặng nhiều giải thưởng, nhưng vinh dự lớn nhất đối với Trịnh Công Sơn là tên ông đã được các tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Thủ Đức, thành phố Hà Nội đặt cho những con đường, tuyến phố để ghi nhận tài năng và sự đóng góp bằng âm nhạc của ông. Tại Hà Nội, một đường phố tại quận Tây Hồ mang tên Trịnh Công Sơn, là phố đi bộ vào dịp cuối tuần, một địa chỉ sinh hoạt văn hóa với nhiều hoạt động phong phú.