Tết Trung thu cận kề và thị trường bánh trung thu đang dần sôi động, với nhiều loại từ bình dân đến cao cấp để phục vụ người tiêu dùng.
Lợi dụng nhu cầu thị trường tăng cao, hiện nay, các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng được bày bán công khai.
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải nhập gần 11.000 chiếc bánh trung thu trôi nổi về bán kiếm lời. |
Những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước liên tục phát hiện các cơ sở kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điển hình, tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, lực lượng QLTT TP Hà Nội vừa phát hiện, thu giữ 10.800 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ tại hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải, do ông Nguyễn Công Dũng làm chủ. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng/bánh.
Tương tự, tại thôn Chùa Tổng, lực lượng QLTT TP Hà Nội phát hiện hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài thuộc hộ kinh doanh của bà Phan Thị Nhàn, cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Hay tại Hà Nam, lực lượng QLTT vừa phối hợp với các lực lượng khác phát hiện bà Phạm Thị Phụng (trú ở tổ 5, phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý) đang bày bán gần 1.600 chiếc bánh trung thu (bánh nướng các loại) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Khu công nghiệp Châu Sơn, TP Phủ Lý.
Tại khu vực các tỉnh phía Nam, lực lượng QLTT tỉnh Tây Ninh cũng phát hiện 500 sản phẩm bánh trung thu và bánh kẹo các loại không nhãn hiệu, địa chỉ sản xuất. Chủ hộ kinh doanh là ông Phạm Văn Thanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ theo quy định. Các chủ hàng khai nhận, gần Tết Trung thu, lợi dụng nhu cầu các mặt hàng này tăng cao nên đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường với giá 2.500-3.000 đồng/bánh về bán kiếm lời.
Đáng lưu ý, trên các trang mạng xã hội, thị trường bánh trung thu cũng diễn ra khá nhộn nhịp. Đặc biệt, năm nay xuất hiện thêm một số loại bánh trung thu mi ni có xuất xứ nước ngoài với giá chỉ 4.000-6.000 đồng/bánh, được bán tại nhiều hội nhóm trên facebook, trong đó có nhiều chủng loại mới hút khách. Tại nhóm “Sỉ lẻ bánh Mix nội địa Trung giá rẻ”, nhiều tài khoản giới thiệu bánh trung thu được bán với giá hơn 330.000 đồng/thùng 5kg (100 bánh) hay 120.000 đồng/kg (từ 18 tới 20 bánh) đủ loại mẫu mã, có nhiều vị tùy khách lựa chọn. Tính giá bán lẻ khoảng 6.000 đồng/chiếc. Điều này khiến người làm bánh chuyên nghiệp cũng như người tiêu dùng lo ngại về an toàn thực phẩm.
Theo lãnh đạo Đội QLTT số 24, Cục QLTT TP Hà Nội, những năm gần đây, lực lượng chức năng liên tục triệt phá nhiều kho, xưởng chứa trữ bánh trung thu nhập lậu, giá rẻ. Thông thường, vào thời điểm cận dịp lễ truyền thống, các đối tượng thu gom, mua trôi nổi hàng hóa từ các tỉnh biên giới phía Bắc với giá rất rẻ, sau đó bán kiếm lời với giá cao gấp nhiều lần. Thời gian tới, lực lượng QLTT cả nước sẽ tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như: Bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi...
Để bảo vệ sức khỏe, tránh mua phải hàng trôi nổi, hàng không bảo đảm chất lượng, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng được bảo đảm thể hiện qua việc có thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn theo quy định. Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần xem xét về vấn đề nguồn gốc hàng hóa rõ ràng.