Sản xuất nội dung chèn vào video của các đài truyền hình; cắt ghép logo, giả mạo website của các cơ quan báo chí.... rất nhiều thủ đoạn mạo danh báo chí diễn ra thời gian qua nhằm quảng cáo sản phẩm, lừa đảo bán hàng, trục lợi bất chính đến hàng trăm triệu đồng.
Sao chép giao diện, cấu trúc thư mục và toàn bộ tin bài, trang web giả mạo báo điện tử VTC News vừa mới xuất hiện. Trước đó, đơn vị này từng bị mạo danh bởi các website với tên miền gần giống như vtc.net. vtc.com….
Theo nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng biên tập Báo điện tử VTC News: ''Chúng tôi lo ngại nhất vẫn là họ cài cắm thông tin xấu độc vào. Bên cạnh thông tin chính thống tờ báo đăng thì họ cài cắm thông tin lừa đảo. Thông tin báo đăng, thông tin thì người ta tin, người ta tin thì sẽ bị lừa''.
Lo ngại này là có cơ sở. Mới đây, một vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, các đối tượng đã tạo lập khoảng gần 20 trang web có tên gọi, giao diện giống một số cơ quan báo chí chính thống. Sau đó, thu thập thông tin viết bài phản ánh về dấu hiệu sai phạm của các tổ chức, cá nhân để tổng tiền.
Từ đầu năm đến nay, liên tục xuất hiện nhiều Fanpge gỉả mạo các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Đã có phụ huynh đã mất đi số tiền lớn khi thực hiện các yêu cầu để đăng ký tham gia cho con em. Còn Báo Giao thông trong 2 năm qua 5 lần bị mạo danh để lừa đảo bán giấy phép lái xe giả hay tung tin xấu độc.
Sử dụng giải pháp công nghệ, kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan công an... các đơn vị báo chí đang nỗ lực tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, rất cần sự tỉnh táo, cẩn trọng của độc giả để tránh trở thành nạn nhân của những hành vi giả mạo, hệ lụy khôn lường.