Chuyển nhầm tiền có thể là vô tình nhưng đó cũng rất có thể là một cái bẫy lừa đảo.
Thời gian qua, cho dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít người gặp rắc rối hay thậm chí trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo chuyển nhầm tiền. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu trò chuyển nhầm tiền vào tài khoản để lừa cho vay nặng lãi hay đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Một người phụ nữ cho biết, cách đây ít lâu chị bỗng nhiên nhận được gần 30 triệu đồng qua tài khoản. Chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi nhận được số tiền, chị nhận được điện thoại từ một người lạ tự xưng là người chuyển nhầm tiền. Đồng thời người này thông báo đây là số tiền nợ cùng hơn 3 triệu đồng tiền lãi.
Khi chị khẳng định mình không hề vay nợ và sẽ liên hệ với lực lượng chức năng thì người kia đã liên tục nhắn tin, gọi điện đe doạ. Quá hoang mang, chị đã đến công an trình báo, sau đó đến cả ngân hàng để yêu cầu được trợ giúp.
"Người gọi điện cho tôi yêu cầu tôi chuyển khoản vào một tài khoản khác nhưng cũng không rõ ràng danh tính người nhận là ai. Vì vậy, tôi cũng hoang mang không biết chuyển xong rồi có tiếp tục bị đòi nữa không", người phụ nữ cho hay.
Chồng người phụ nữ trên cũng nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn thông báo vợ nợ tiền và yêu cầu thanh toán. Tuy nhiên, mỗi cuộc gọi lại là một giọng nói khác nhau. Không dừng lại ở đó, những đối tượng này còn cắt ghép ảnh của 2 vợ chồng, phát tán trên mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cả hai.
Chồng của nạn nhân nói: "Sau khi tôi nói muốn nhận lại tiền phải đến cơ quan chức năng lam rõ thì các đối tượng đó đe dọa vợ chồng tôi, làm cho vợ chồng tôi rất hoang mang".
"Dấu hiệu đáng ngờ ở lý do là tại sao họ chuyển đến một số tiền và sau đó lại đòi trả lại số tiền với mức chênh lệch. Đó có thể là dụng ý của người chuyển ngay khi chuyển cho người nhận", ông Nguyễn Thành Công - Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh nói.
Tình huống mà một người phụ nữ khác gặp phải lại cho thấy một chiêu thức lừa đảo tinh vi khác. Chị kể lại, sau khi chuyển nhầm số tiền gần 3 triệu đồng, chị đã đăng tin lên mạng xã hội nhờ bạn bè tìm giúp. Ít ngày sau đó, chị đã nhận lại được số tiền mình chuyển nhầm qua tài khoản.
Tuy nhiên, sau đó có một người tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi điện, yêu cầu chị làm theo hướng dẫn để xác nhận về việc đã nhận lại được tiền.
"Tôi truy cập một đường link, sau đó nhập mã OTP để xác nhận là nhận được số tiền thì tài khoản của tôi bị trừ mất 100 triệu đồng. Lúc đó mình mới biết là mình bị lừa", nạn nhân cho biết.
Theo nhận định của cơ quan công an, việc người dân đăng tải lên mạng xã hội thông tin về việc mình chuyển nhầm tiền cũng chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Chuyển nhầm tiền là chiêu trò không mới nhưng chiêu thức các đối tượng áp dụng để thực hiện các màn kịch lừa đảo lại biến đổi khôn lường.
"Các đối tượng phân vai theo kịch bản cụ thể, từ đối tượng thu thập thông tin của người bị hại, đến đối tương sử dụng mạng xã hội để liên lạc với người bị hại. Các đối tượng sử dụng thông tin giả và các tài khoản ẩn danh, do đó việc điều tra xác minh những vụ việc như thế này gặp rất nhiều khó khăn", Thiếu tá Vương Toàn Thắng - Đội trưởng Đội 3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết.
Phòng ngừa mắc bẫy chuyển "nhầm" tiền
Khi bỗng nhiên tài khoản nhận được một số tiền không rõ từ đâu gửi tới, điều đầu tiên người nhận cần ghi nhớ là không được tiêu số tiền đó. Vì theo qui định của pháp luật, dù khoản tiền đó là tiền chuyển nhầm thật hay không thật rút ra tiêu cũng đều là phạm pháp.
"Cần bình tĩnh để gọi điện lại cho ngân hàng, nơi chuyển tiền để xác nhận rõ chủ tài khoản của người chuyển tiền cho chúng ta là ai. Hoặc tốt nhất là chúng ta lập một biên bản về việc chuyển nhầm tiền với ngân hàng và có xác nhận với cơ quan công an để từ đó có bằng chứng là chúng ta đã làm việc với cơ quan chức năng. Đây là cơ sở để khi chúng ta gặp những đối tượng gọi điện thoại để nghị trả lại tiền để so sánh.
Nếu đúng chính chủ thì chúng ta sẽ nói với họ cùng lên ngân hàng để làm các thủ tục trả lại tiền. Còn nếu không phải chính chủ chúng ta có quyền từ chối", chị Lê Ngọc Phúc - Phòng Kế toán ngân quỹ, Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Khi chuyển khoản nhập số tài khoản cần nhập mỗi lần 3 chữ số, kiểm tra lại tên và số tài khoản thật kỹ trước khi bấm chuyển.
Để không bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo, khi không may chuyển tiền nhầm cho ai đó, người dân không nên đăng tải thông tin về việc chuyển tiền nhầm lên mạng xã hội. Để lấy lại được tiền, cần xác định tiền bị chuyển nhầm trong tình huống nào?
Tình huống 1: Chuyển nhầm số tài khoản?
Tình huống 2: Chuyển đúng số tài khoản nhưng sai người nhận?
Tình huống 3: Chuyển đúng số tài khoản nhưng sai tên ngân hàng?
Chị Lê Ngọc Phúc cho biết: "Với tình huống đầu tiên, ngân hàng sẽ kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến ngân hàng chủ quản của tài khoản nhận được tiền chuyển nhầm. Theo qui định, chủ tài khoản biết là nhận được tiền chuyển nhầm nhưng vẫn rút ra tiêu sài và không trả lại có thể bị xử lý hình sự
Với tình huống 2: Giao dịch không thành công. Khi xử dụng ngân hàng trực tuyến, chỉ cần nhập số tài khoản tên người sở hữu tài khoản sẽ hiện ra để đối chiếu thông tin. Khi chuyển tiền liên ngân hàng đôi khi sẽ không thấy tên người nhận vì thế nếu sai vẫn được hoàn về đủ số tiền.
Với tình huống 3: Không bị mất tiền, chỉ mất thời gian để chờ ngân hàng tra soát và làm thủ tục hoàn tiền".
Để tránh gặp phải những tình huống rủi ro phát sinh từ việc chuyển nhầm tiền, mỗi người dân, khi thực hiện chuyển tiền qua tài khoản cần ghi nhớ 2 biện pháp: Một là, quét mà QR của người nhận rồi nhập số tiền là hoàn tất việc thanh toán nhanh; Hai là, khi nhập số tài khoản cần nhập mỗi lần 3 chữ số, kiểm tra lại tên và số tài khoản thật kỹ trước khi bấm chuyển.