Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng gần 700 người bị ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguy cơ ngộ độc đến từ việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Tại các thành phố lớn, phụ huynh không phải là những người đầu tiên xuất hiện tại các cổng trường để chờ học sinh tan học. Những vị trí “đắc địa” nhất tại khu vực này thường đã được chiếm trước bởi những người bán hàng với đủ loại đồ ăn, thức uống được bày bán trên những chiếc xe đạp, xe đẩy…

Đồ ăn vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều người chủ quan với thực phẩm vỉa hè

Đang đứng chờ thanh toán để mua cho cháu nhỏ chiếc bánh nướng trước cổng trường tiểu học, bà Vũ Thị Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Tôi cũng biết đồ ăn ở đây không đảm bảo, thế nhưng cháu tôi ngày nào cũng đòi mua, thôi thì lâu lâu ăn một lần chắc cũng không sao.

Không chỉ hấp dẫn trẻ nhỏ, đối với nhiều người, những hàng ăn vặt, những quán vỉa hè gần như đã là một điều gì đó rất gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống, từ ăn sáng đến ăn trưa. Thế nhưng, đối với các chuyên gia y tế, đây là nguy cơ rất lớn có khả năng dẫn tới những vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt khi thời tiết ngày càng nóng dần.

Nói về nguy cơ ngộ độc thực phẩm mỗi khi hè tới, BS Huỳnh Hoài Phương - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho hay, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

“Vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả… Ở khoảng 32-43 độ C – nhiệt độ thường thấy trong mùa hè, những vi khuẩn này phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút. Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ngoài ra, khi hè tới, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao. Có thể dễ dàng bắt gặp trên phố các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán…; các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt… Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rẻ, nhưng quy trình chế biến có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người mua ít quan tâm” – BS Phương cho hay.

Học sinh mua đồ ăn trước cổng trường THCS Quỳnh Mai (Hà Nội).

Số ca ngộ độc tăng gấp 3 lần

Số liệu thống kê từ Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc - tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3 người tử vong.

Gần đây nhất, đầu tháng 4/2024, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã ghi nhận 10 ca bệnh là học sinh đang nhập viện điều trị với các triệu chứng nghi ngộ độc như đau bụng, nôn ói sau khi ăn cơm gà bán xung quanh trường, mỗi phần có giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng.

Trước đó, giữa tháng 3/2024, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 369 trường hợp phải đến các bệnh viện để khám, điều trị sau khi ăn cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP Nha Trang). Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang nhận định, đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè là do hiện điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.

Cùng với đó, do quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm. Nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, nơi du lịch…

Quyết liệt xử lý vi phạm

Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 từ 15/4 đến 15/5 trên phạm vi cả nước.

Cùng đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1915 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai Tháng hành động, với mục tiêu tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.

Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…

Theo bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề rất “nóng” và phức tạp. Thêm vào đó, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý. Trong tháng hành động phải bảo đảm thực chất; kiểm tra đột xuất, tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Đặc biệt, công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm. Quá trình kiểm tra phải bảo đảm “triệt để”, qua đó có biện pháp xử lý.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, BS Nguyên lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum). Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.

Các loại thực phẩm cần phải nấu chín. Thực phẩm chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn nếu muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ, sau đó cần bảo quản trong tủ lạnh. Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua.

Theo bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm: Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm. Thực trạng trên đã và đang đặt ra các yêu cầu mới cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

Báo Đại đoàn kết

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam tiếp tục đối mặt với kháng thuốc gia tăng

Việt Nam tiếp tục đối mặt với kháng thuốc gia tăng

Kháng thuốc là một mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu, do đó cần phải hành động liên ngành khẩn cấp để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Hiện nay Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng...

Hội thảo hưởng ứng ngày Thế giới vì trẻ sinh non

Hội thảo hưởng ứng ngày Thế giới vì trẻ sinh non

Sáng 15/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tổ chức Hội thảo hưởng ứng “Ngày thế giới vì trẻ sinh non” tỉnh Lào Cai năm 2024, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh và chăm sóc cho trẻ sinh non.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điểm tựa chăm sóc sức khỏe người dân vùng cao Bắc Hà

Điểm tựa chăm sóc sức khỏe người dân vùng cao Bắc Hà

Với sự giúp đỡ về chuyên môn của bệnh viện tuyến Trung ương và các đơn vị y tế tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng điều trị, trở thành điểm tựa vững chắc trong chăm sóc sức khỏe người dân Bắc Hà. 

Nỗ lực vì môi trường không khói thuốc

Nỗ lực vì môi trường không khói thuốc

Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, những năm qua, thành phố Lào Cai đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để phòng, chống tác hại của thuốc lá.

fbytzltw