Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng kích thích nhiều, da lạnh, vã mồ hôi, đau tức ngực, khó thở, huyết áp không đo được, rối loạn cơ tròn đại tiện không tự chủ.
Thông tin từ người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đã mua củ ấu tầu về, đập nát, ninh xương để ăn. Sau ăn canh 3 giờ, bệnh nhân có hiện tượng buồn nôn, tê bì vùng mặt lưỡi và miệng rồi lan ra toàn thân kèm theo co quắp chân, tay, vã mồ hôi tức ngực, khó thở, nôn liên tục.
Sau hội chẩn, các bác sỹ xác định bệnh nhân bị ngộ độc Aconitin có trong củ ấu tầu. Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ thuốc chống loạn nhịp tim và thuốc vận mạch. 2 giờ sau xử trí, mạch và huyết áp bệnh nhân dần ổn định trở lại.
Qua thời gian điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không còn đau tức ngực, không khó thở, các chỉ số sống ổn định và được ra viện.
Củ ấu tầu (còn gọi là gấu tẩu, ấu tàu, cố y, co ú tàu, thảo ô...) có màu đen, mỏ nhọn, được thu hoạch từ cây ô đầu. Củ ấu tàu thường mọc hoang ở vùng núi cao các tỉnh vùng Tây Bắc. Ấu tầu thường được chỉ định dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc.
Nguyên nhân gây ngộ độc là do thành phần hóa học chính trong ấu tầu là aconitin, chiếm 90%. Aconitin nguyên chất là một chất độc mạnh. Với liều 1mg có thể gây ngộ độc nặng, liều 2 - 3mg đủ gây tử vong một người trưởng thành.
Khuyến cáo của bác sỹ, người dân cần thận trọng khi sử dụng củ ấu tầu, các chế phẩm có thành phần là củ ấu tầu; không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn hoặc uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp cần được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, tuyệt đối không ở nhà tự theo dõi hoặc điều trị theo biện pháp dân gian.