Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) hôm 29-5 ban bố cảnh báo đỏ cho một số khu vực phía Tây Bắc về một đợt nắng nóng nghiêm trọng sau khi nhiệt độ tại nhiều địa phương lên đến ít nhất 45 độ C. Theo IMD, cảnh báo đỏ tức là có khả năng rất cao người dân mắc bệnh liên quan đến nhiệt độ và bị sốc nhiệt, đồng thời cần chăm sóc kỹ người dễ bị tổn thương.
Trước đó một ngày, nhiệt độ tăng vọt lên 50,5 độ C tại TP Churu, bang Rajasthan hôm 28/5. Còn tại TP Sirsa, bang Haryana, nhiệt độ lên đến 50,3 độ C. Kỷ lục hiện nay là 51 độ C, được ghi nhận tại TP Phalodi, bang Rajasthan hồi tháng 5/2016.
Đáng chú ý, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi cũng lên mức cao nhất từ trước đến giờ (49,9 độ C) hôm 28/5. Theo đài Al Jazeera, nhiệt độ cao hơn 9 độ C so với mức trung bình. Theo hãng tin Reuters, chính quyền địa phương đã hạn chế cung cấp nước và kêu gọi người dân tiết kiệm sau khi cho biết mực nước sông Yamuna, nguồn cung cấp nước chính, đang ở mức thấp.
Nắng nóng kéo dài tại miền Bắc Ấn Độ buộc trường học tại một số thành phố và thị trấn phải đóng cửa. Các bệnh viện cũng ghi nhận số ca sốc nhiệt tăng đột biến, nhất là đối với người làm việc ngoài trời.
Nước láng giềng Pakistan cũng đang trải qua một mùa hè nóng hơn. Các bác sĩ trong tuần này cảnh báo về mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe da liễu khi quốc gia Nam Á này hứng chịu đợt nắng nóng dữ dội dự kiến tiếp tục kéo dài đến tháng 6 ở một số khu vực. Các chuyên gia thời tiết dự báo nhiệt độ có thể lên tới 55 độ C trong tháng này và tháng tới.
Tại Mexico, nắng nóng và thiếu nước đã gây ra tình trạng mất điện do nhu cầu tăng kỷ lục. Theo hãng tin Reuters, trong bối cảnh nắng nóng được dự báo còn kéo dài, điện và nước đã trở thành vấn đề chính trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-6 tới.
Việc tìm ra giải pháp bền vững để đáp ứng nhu cầu gia tăng về điện nước là thách thức không nhỏ của tổng thống tiếp theo. Theo một số chuyên gia, việc tăng nguồn cung điện trong ngắn hạn là không dễ, nhất là khi các nhà máy thủy điện đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Các nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn, Một báo cáo mới công bố hôm 28/5 xem xét vai trò của biến đổi khí hậu trong việc làm gia tăng số ngày nắng nóng khắc nghiệt trên thế giới trong 12 tháng (từ ngày 15/5/2023 đến 15/5/2024).
Trong giai đoạn này, khoảng 6,3 tỉ người đã hứng chịu ít nhất 31 ngày nắng nóng cực đoan. Tổng cộng có tới 76 đợt nắng nóng cực đoan xảy ra ở 90 quốc gia. Ngoài ra, thế giới trải qua trung bình thêm 26 ngày nắng nóng cực đoan do biến đổi khí hậu.
Báo cáo trên do Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ, mạng lưới khoa học World Weather Attribution và tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central công bố. Theo Hội Chữ thập đỏ, nắng nóng cực đoan được cho là đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng trên thế giới trong 12 tháng qua nhưng con số thực tế có thể lên tới hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu.