Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (thứ 2, phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/5/2023.
Theo The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 10/11, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết nỗ lực thúc đẩy một hội nghị thượng đỉnh cấp cao của Ukraine nhằm tăng cường sự ủng hộ của quốc tế cho Kiev liên quan đến cuộc xung đột với Nga đang mất dần động lực, một phần vì hậu quả từ căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Hàng chục quốc gia, như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và các cường quốc khác vốn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong nhiều tháng đã tìm cách xác định các nguyên tắc cốt lõi, chẳng hạn như sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, có thể làm nền tảng cho những cuộc đàm phán hòa bình.
Nhưng cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gaza đã gây ra những rạn nứt mới giữa Mỹ, các nước phương Tây khác và một số cường quốc Arab, cũng như những nước mới nổi hàng đầu mà Ukraine đã hy vọng lôi kéo được về phía mình.
Sau các cuộc gặp ở Đan Mạch, Saudi Arabia và Malta trong năm nay, các quan chức Ukraine và EU đã hy vọng triệu tập một hội nghị thượng đỉnh những nhà lãnh đạo thế giới trước cuối năm 2023. Nhiều nhà ngoại giao cho biết điều đó bây giờ dường như khó xảy ra.
Cuộc khủng hoảng ở Trung Đông cũng thu hút sự chú ý từ chính quyền Ukraine, những người hiện đang tập trung vào một số thách thức khác ngoài cuộc chiến với Nga, như giải thoát con tin do Hamas bắt giữ, viện trợ cho dân thường ở Gaza và ngăn chặn xung đột leo thang.
Ukraine và những nước ủng hộ Kiev từng kỳ vọng sẽ tranh thủ được các quốc gia trung lập như Saudi Arabia, Indonesia và có thể cả Trung Quốc để ủng hộ công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Động lực đằng sau các cuộc đàm phán về Ukraine được xây dựng vào mùa hè năm nay tại cuộc họp ở Jeddah hồi tháng 8, nơi Saudi Arabia và hơn 40 quốc gia cùng tổ chức khác đã gặp nhau để đàm phán với sự tham dự của những quan chức cấp cao, trong đó có cả đại diện đến từ Trung Quốc và Mỹ.
Sau cuộc họp, Ukraine và Saudi Arabia đã thành lập một loạt nhóm làm việc về tác động quốc tế của cuộc xung đột, trong khi những quan chức cấp cao của Ukraine, do Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak dẫn đầu, đã bắt đầu các cuộc họp thường kỳ về con đường hòa bình với các đại sứ ở Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết sau cuộc gặp ở Jeddah trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức rằng các cuộc đàm phán trên nhằm “gia tăng áp lực buộc Nga phải nhận ra rằng họ đã đi sai đường và phải rút quân và duy trì hòa bình”.
Nhưng ngay cả trước khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas, động lực cho đàm phán hòa bình ở Ukraine đã bị suy giảm. Theo ba nhà ngoại giao ở Kiev, sau khi đến Jeddah, Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine đã ngừng tham dự các cuộc họp hàng tuần do ông Yermak chủ trì.
Do đó, Ukraine đã chật vật tìm một nước lớn khác, trung lập để tham gia đàm phán. Cụ thể, Tổng thống Zelensky đã vận động Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tham gia vào nhóm trên.
Nhưng các quan chức Nam Phi sau đó cho biết điều đó là “không thể về mặt logic”. Vài tuần trước, Nam Phi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS với những người tham dự bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Cuộc xung đột ở Trung Đông đang chi phối đến sự ủng hộ của phương Tây giành cho Ukraine.
Ngày 7/10, Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, theo số liệu của Israel. Sau đó, căng thẳng toàn cầu đã leo thang liên quan đến việc Israel đáp trả bằng một cuộc tấn công quân sự khiến hơn 10.000 người Palestine thiệt mạng như công bố của cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát.
Quan điểm của Mỹ và nhiều nước châu Âu - vốn nhấn mạnh quyền đáp trả của Israel và chống Hamas bất chấp số người chết ở Gaza ngày càng tăng - đã tạo ra mâu thuẫn với nhiều quốc gia mà sáng kiến đàm phán hòa bình về Ukraine được thiết kế để thu hút.
Tuần này, Nam Phi đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Israel. Các nước Arab như Saudi Arabia đã chỉ trích hành động quân sự của Israel, cũng như các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh, trong đó có Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Trung Quốc và Nga cũng phản đối hành động của Israel, đồng thời cáo buộc rằng phương Tây có “tiêu chuẩn kép” khi áp dụng các nguyên tắc quốc tế cho Ukraine, nhưng không phải cho Israel.
Richard Gowan, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng (Crisis Group) của Liên hợp quốc, cho biết: “Các nhà ngoại giao phương Tây tại Liên hợp quốc nói rằng họ sẽ gặp khó khăn để có được sự hỗ trợ cho Ukraine từ các nước đang phát triển trong những tháng tới. Nga đang nhấn mạnh tiêu chuẩn kép của Mỹ”.
Tại một cuộc họp ở Malta vào cuối tháng 10 vừa qua, những người tham gia cuộc đàm phán về Ukraine cho biết giao tranh ở Trung Đông đã bao trùm hội nghị. Trong khi hơn 60 quốc gia và tổ chức có mặt, con số lớn nhất từ trước đến nay, Trung Quốc đã không có đại diện tham dự.
Các nhà ngoại giao cho biết một số quốc gia khác, ví dụ Saudi Arabia và Qatar, đã cử các quan chức cấp thấp hơn tới dự. Đặc phái viên hòa bình của Brazil, cựu Ngoại trưởng Celso Amorim, người đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moskva và Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kiev để thảo luận về các nỗ lực hòa bình, cũng không tham gia.