Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Đại sứ quán Hoa Kỳ, đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia Tư pháp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên có vai trò quan trọng để từ đó hoàn thiện Luật, sớm thông qua Quốc hội và đưa vào cuộc sống; bảo vệ người chưa thành niên cũng như có biện pháp xử lý kịp thời, đúng luật, nhân văn đối với người chưa thành niên.
Người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên cần được bảo vệ. Bên cạnh đó cần tiếp tục đổi mới, cải cách chính sách pháp luật về tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên sẽ tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
Qua đó, sẽ hoàn thiện chế định hình phạt đủ nghiêm khắc, nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Bảo đảm, bảo vệ các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp với thủ tục đơn giản, phù hợp cho người chưa thành niên.
Dự thảo Luật đã được xây dựng cẩn thận, khoa học, chặt chẽ trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Vì vậy, qua hội thảo này Tòa án nhân dân tối cao mong nhận được nhiều góp ý của các đại biểu trong và ngoài nước, các chuyên gia tư pháp, đại biểu Quốc hội.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ, chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam đưa Luật Tư pháp người chưa thành niên vào đời sống. Việc đưa Luật Tư pháp người chưa thành niên vào thực thi sẽ củng cố và mở rộng các quy định hiện hành về người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp. Đồng thời, triển khai những cải cách quyết liệt, toàn diện nhằm bảo đảm hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam tuân thủ tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật đưa ra nhiều điểm cải thiện cho người chưa thành niên. Tuy nhiên một số khía cạnh chưa hoàn toàn tuân thủ tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em yêu cầu phải có sẵn các biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý để thực hiện xử lý chuyển hướng. Tránh các biện pháp tiêu cực làm ảnh hưởng đến tâm lý, tổn thương người chưa thành niên.
Bà Lesley Miller cũng chỉ ra, việc đưa vào trại giáo dưỡng không phải là biện pháp chuyển hướng hợp lý. Cần xây dựng mạng lưới về cán bộ tư pháp cơ sở, cộng tác viên tư pháp ở cấp xã và hỗ trợ công tác xã hội cho trẻ vị thành niên. Việc thực thi luật không chỉ của các cơ quan tư pháp mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Cần bảo đảm người dân hiểu được tầm quan trọng của luật này, nâng cao nhận thức cho người dân.
Tham góp ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia cho biết xu hướng của các quốc gia trên thế giới là xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Trong đó định hướng lớn là trao thêm cơ hội để đối tượng này nhận ra lỗi để sửa chữa, không tái phạm.
Tại khu vực ASEAN, 9/10 quốc gia đã có đạo luật riêng về người chưa thành niên. Việt Nam hiện có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với đối tượng này và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, pháp luật đang tồn tại nhiều hạn chế như thủ tục tố tụng hình sự vốn được thiết kế cho người trưởng thành và có điều chỉnh liên quan đến người chưa thành niên, nên chưa thực sự thân thiện, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của đối tượng này. Các biện pháp giám sát, giáo dục để thay thế hình phạt còn thiếu, ít được áp dụng; cam kết trong điều ước quốc tế chưa được nội lực hóa đầy đủ.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và UNICEF cũng tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về định hướng trong xây dựng luật. Đặc biệt là các nội dung cốt lõi như xử lý chuyển hướng, quy định hình phạt và thủ tục tố tụng phù hợp với đối tượng người chưa thành niên phạm tội.