Từ ngày 1/7 năm nay sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7, khóa 12. Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32% , mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương. Hiện các bộ ngành địa phương đã và đang gấp rút xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thực hiện cải cách tiền lương, từ 1/7 dự kiến, mức lương của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với hiện nay. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình tăng hơn 32% (khoảng 7,5 triệu đồng/tháng). Đây là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua; vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bà Nguyễn Bích Thu, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm để triển khai chế độ tiền lương mới: "Hiện nay, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị trình cho các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản. Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quốc hội sẽ có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán Nhà nước. Bên Đảng sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội".
Bộ Nội vụ cũng đang hoàn tất hồ sơ về cải cách tiền lương mới để trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Chế độ lương mới sẽ được tính theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương hiện hành. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thời gian qua các bộ, ngành và địa phương đã tích cực xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: "Đến giờ phút này các văn bản hướng dẫn đã có đầy đủ, việc còn lại là các Bộ, ngành sẽ phê duyệt đề án vị trí việc làm đó. Và để sau khi có sự hướng dẫn về tiền lương theo vị trí việc làm thì chúng ta có thể áp dụng được ngay để thực hiện việc trả lương cho đội ngũ của chúng ta theo vị trí việc làm".
Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh phải gấp rút hoàn thiện đề án xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương: "Cố gắng làm theo 3 nguyên tắc này. Bộ Nội vụ, phải tính toán phương án làm sao kết nối rất tốt với các địa phương, các bộ, ngành nơi mà họ đang thực hiện Đề án này để kịp thời hướng dẫn điều chỉnh. Thứ hai là không cầu toàn, bám vào những nguyên tắc chung mang tính chất cốt lõi còn cụ thể như thế nào quyết định cho nó linh hoạt phù hợp. Và với tinh thần như vậy thì phải có phân cấp mạnh cho các địa phương, chúng ta làm từng bước. Nếu chưa kịp 1/7 này thì chúng ta tính tiếp, nhưng mục tiêu phấn đấu phải là 1/7 để từ các đề án về vị trí việc làm sẽ xây dựng phương án trả lương; để 1/7 áp dụng được các chính sách tiền lương mới mà Quốc hội đã thông qua".
Xây dựng, quản lý vị trí việc làm là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp nhưng là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương.