Chiều 21/2, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.
Quang cảnh hội nghị. |
Các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2023 là một sự kiện pháp lý quan trọng đối với đất nước; vấn đề quản lý đất đai có vai trò quan trọng, bao quát các lĩnh vực khác về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng...
Giải quyết đúng chính sách pháp luật đất đai không chỉ kiến tạo môi trường hợp lý, ổn định, giải phóng được nguồn lực đất đai mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các quyền lợi chính đáng của người dân; là tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại Hội nghị, 12 ý kiến đóng góp đã tập trung vào các nội dung, gồm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chế độ sử dụng đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; chính sách đất đai đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động...
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự thảo Luật Đất đai 2023 đã chú trọng giải quyết một số tồn tại như: Quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư; bộ máy quản lý đất đai; phân loại đất đai, xác định giá đất, mối quan hệ với thị trường bất động sản...
Dự thảo đã nêu và cập nhật, giải thích 56 từ ngữ (Luật 2013 chỉ nêu 30 từ ngữ) có tính thực tiễn, tuy vậy cần xem xét điều chỉnh thêm các khái niệm đã nêu trong dự thảo về: đất xây dựng công trình ngầm, khái niệm hủy hoại đất, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...
Ngoài ra, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho biết, cần bổ sung một số khái niệm như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người sử dụng đất, mặt nước chuyên dùng, tích tụ đất...
Ông cũng đề nghị cần tổ chức linh hoạt hơn các hình thức góp ý, nhất là lấy ý kiến cộng đồng và chuyên gia đa ngành đồng bộ về 9 vấn đề trọng tâm.
Thạc sĩ Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng, các quy định đối với đồng bào dân tộc thiểu số có 4 điều khoản quy định riêng cho dân tộc thiểu số (Điều 17, Điều 52; khoản 2 Điều 174; điểm a, khoản 3 Điều 175); 4 điều khoản quy định cho một số đối tượng ưu tiên, trong đó có dân tộc thiểu số (khoản 1 Điều 40; điểm d khoản 2 Điều 125; khoản 1 Điều 137; khoản 1 Điều 152).
Trong đó các chính sách đã được quy định cụ thể là giao đất ở; giao đất sản xuất; được ưu tiên hơn so với đối tượng khác khi thực hiện giao đất, cho thuê đất; được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ khi được giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Với những nội dung quy định như trên, Dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; các chính sách đối với dân tộc thiểu số trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc nêu tại Điều 17 là “... có đất để sản xuất kinh doanh, bảo đảm sinh kế”, do đó ông đề nghị cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, sau khi lấy ý kiến người dân, Ban soạn thảo Luật Đất đai 2023 nên có đánh giá, tiếp thu chọn lọc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến yêu cầu các ý kiến có đông người góp ý, nếu không tiếp thu được cũng nên có ý kiến phản hồi.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Liên hiệp Hội Việt Nam tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp tới.