Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, tại phiên thảo luận tổ sáng 26/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025.
Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện về thể chế và coi đây là giải pháp đột phá của đột phá.
Các giải pháp tiếp theo là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI có chọn lọc (chú trọng các dự án lớn, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược); đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…
Cũng theo Bộ trưởng, tại kỳ họp thứ 8 này, Chính phủ đang trình Quốc hội rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh nhằm giải quyết ngay cả vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Nếu được Quốc hội thông qua, các luật này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển, từ nguồn lực đầu tư nhà nước, nguồn lực tư nhân đến vốn nước ngoài.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho hay, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm không có gì mới, vẫn là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy, cộng thêm thiên tai bão lũ và mưa kéo dài ảnh hưởng thi công.
“Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt thấp nhất 95% kế hoạch,” Bộ trưởng cho biết.
Chia sẻ về các vấn đề kinh tế, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, từ 2022, thế giới bắt đầu bất ổn sau đại dịch, xung đột chính trị lan rộng một số khu vực, bối cảnh phức tạp, khó lường, bất ổn. Nhưng Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi duy trì ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
“Nổi bật của sự ổn định là lạm phát kiểm soát ở mức thấp trong 10 năm qua, từ 2015 đến nay ở khoảng 3%, là điều tuyệt vời. 10 năm trước đó lạm phát 9,3%, có năm vượt trên 20%. Tôi đánh giá rất cao về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, xuất siêu liên tục mỗi năm khoảng 17 tỷ USD. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, là thành quả đáng tự hào”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng 15,4% là thành tựu trong thời điểm chi phí logistic lớn do ảnh hưởng từ xung đột trên thế giới. Kiểm soát giá cả cũng là một nỗ lực trong những năm qua.
Cũng theo ông Ngân, kinh tế thế giới thời gian qua có dấu hiệu chững lại, tăng trưởng bình quân chung cả thế giới thấp hơn năm 2023, trong 9 tháng, Việt Nam đạt tăng trưởng tới 6,82% và cả năm có thể đạt trên 7%.
Đồng tình với quan điểm trên đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho biết năm 2024, mặc dù gặp rất nhiều biến động kinh tế, xã hội, nước ta lại đạt được rất nhiều những thành tựu. Nhiều tổ chức xếp hạng đánh giá về chỉ tiêu về xếp hạng tín nhiệm, chỉ số hạnh phúc, đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng đều tiến bộ và tăng bậc.
Về tăng trưởng kinh tế, ông Cường cho biết quý 3, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Con số này tương đương với quý 3 của cả giai đoạn trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đã phục hồi lại được như trạng thái trước dịch.
“Đặc biệt xu thế hồi phục rất vững chắc, ổn định tính từ quý 1 năm 2023 đến nay. Với đà tăng này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực trong quý 4. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm hoàn toàn có thể đạt được”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đối với vấn đề thương mại, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới, như các sàn giao dịch nước ngoài với mức giá rẻ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa trong nước. Ông Cường đề xuất cần có chính sách kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ phát triển các sàn thương mại điện tử nội địa.
Cùng với đó, cần xem xét tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước để tránh tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài tràn vào.
“Hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài, cần có chính sách gây dựng sàn trong nước. Tôi cho rằng gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.