Theo đại biểu Sùng A Lềnh, Luật các tổ chức tín dụng cần bổ sung “mục” hoặc “chương” về Ngân hàng Chính sách xã hội vì đây là tổ chức tín dụng rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.
Đại biểu Sùng A Lềnh nhấn mạnh, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, đây là định hướng lớn và chủ trương nhất quán của Đảng trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Từ chủ trương đó, cùng với sự kiên trì, quyết tâm cao của NHCSXH, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Mô hình quản trị của Ngân hàng CSXH có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương. Bộ máy điều hành của ngân hàng từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 600 phòng giao dịch cấp huyện và tổ chức 10.435 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Hoạt động tại điểm giao dịch cấp xã được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Trong 2 thập kỷ qua, Ngân hàng CSXH đã tổ chức thực hiện hiệu quả việc cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tính đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279 nghìn tỷ đồng, gấp 32 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 21,1%.
Hiện cả nước có gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; riêng dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99,8 nghìn tỷ đồng với gần 2,2 triệu khách hàng, chiếm 35,7% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng dự nợ toàn Ngân hàng với gần 590 nghìn khách hàng. Riêng dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng dự toán ngân hàng với 1,4 triệu khách hàng đang vay nợ.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng thông tin thêm, chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75% (so với tổng dư nợ) khi ngân hàng chia tách, thành lập xuống còn 0,67%; trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ (tính tại thời điểm 30/11/2022).
Tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội có ý kiến chỉ đạo: “Thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 từ ngày 15 tháng 8 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)”.
Từ căn cứ trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Quốc hội bổ sung trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng một "mục" hoặc "chương" (hiện chưa có), quy định cụ thể về Ngân hàng CSXH để khẳng định địa vị pháp lý của tổ chức tín dụng quan trọng này.
Theo đại biểu Sùng A lềnh: “Có như vậy mới đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, phục vụ đông đảo Nhân dân”.