"Bình dân học AI": Xóa bỏ rào cản công nghệ, nâng tầm người lao động Việt

“Bình dân học AI” không chỉ giúp người lao động Việt Nam cải thiện cuộc sống mà còn tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế số của đất nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), anh Lê Công Thành (sinh năm 1983), Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe khẳng định, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là công nghệ xa xỉ hay độc quyền.

Theo đó, AI giờ đây là một cơ hội mở, một sức bật mới cho mọi người dân ở mọi ngành nghề. Đây không chỉ là công cụ giúp người lao động Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, mà còn là đòn bẩy chiến lược đưa lao động Việt tiến xa trên trường quốc tế.

Để người lao động vận hành trên không gian mạng

Anh Lê Công Thành cho biết, mục tiêu của dự án là giúp mọi người học cách sử dụng AI một cách đơn giản và trở thành công cụ làm việc hằng ngày hiệu quả.

Theo anh Thành, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp, người lao động Việt Nam không bị bỏ lại phía sau. Bởi lẽ, AI phát triển liên tục suốt gần 70 năm qua, nhưng mãi gần đây, công nghệ này mới đến được tay hàng tỷ người lao động trên thế giới, trong đó có người lao động Việt.

Anh Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe.
Anh Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe.

“Một trong những yếu tố đầu tiên mà chúng tôi khuyến khích người lao động Việt Nam khi tiếp cận với trí tuệ nhân tạo là giúp mọi người hình dung dữ liệu thời đại hiện nay như "nhiên liệu" của tương lai. Trí tuệ nhân tạo là những "cỗ xe" mới mẻ và người lao động chính là những "tài xế" cần học cách điều khiển để có thể vận hành chúng trên không gian mạng. Khi làm chủ được công nghệ, chúng ta có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và dễ dàng tiếp cận những thị trường kinh tế có giá trị cao, mở rộng cơ hội và tầm ảnh hưởng của mình”, anh Thành nhấn mạnh.

Anh Thành cũng cho rằng, AI không chỉ là một công cụ công nghệ mà còn là một chìa khóa để vươn tới những thị trường tiềm năng. Một người lao động tại Việt Nam giờ đây có thể dễ dàng giao tiếp, bán hàng, kết nối trên các nền tảng quốc tế nhờ AI hỗ trợ dịch thuật, quản lý nội dung và quảng bá kỹ thuật số.

Khi bắt tay vào dự án, anh và những cộng sự của mình phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó rào cản tâm lý của người lao động là một trong những trở ngại lớn nhất. Nhiều người lo ngại rằng AI quá phức tạp và không phù hợp với trình độ của họ.

Để vượt qua trở ngại này, “Bình dân học AI” đã xây dựng một chương trình phù hợp với từng đối tượng học viên. Một ví dụ điển hình là sử dụng AI trong việc phân tích dữ liệu nông nghiệp. Người nông dân có thể dự báo mùa vụ, tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu chi phí. Cụ thể, nông dân học cách sử dụng các ứng dụng AI để phân tích hình ảnh và nhận diện các vấn đề của cây trồng như sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng hay độ ẩm của đất.

Được thành lập ngay sau khi AI vào Việt Nam, “Bình dân học AI” hiện đang thu hút hơn 250.000 thành viên tham gia và được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm người học để ứng dụng vào công việc và nhóm vừa học vừa dạy cho người khác.

Nhóm đầu tiên chủ yếu dùng AI để thay đổi quy trình làm việc, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất. Nhóm thứ hai là những người dần dần trở thành người hướng dẫn, họ truyền đạt kiến thức học được cho nhiều người, đánh thức tinh thần "người thầy" bên trong họ và hình thành một mạng lưới giáo dục lan tỏa mạnh mẽ.

Lan tỏa mạnh mẽ từ phương pháp học tập hiệu quả

Trong cộng đồng “Bình dân học AI”, các thành viên được khuyến khích học hỏi và chia sẻ kiến thức cùng nhau với nguồn tài nguyên mở phong phú. Ở đó, công nghệ AI cũng như các phương pháp mới nhất dù chỉ vừa ra mắt ở Mỹ hay châu Âu, đã được chia sẻ gần như tức thì. Dự án cũng được áp dụng phương pháp “Feynman Technique” - một phương pháp học thông qua giảng dạy cho người khác.

Anh Thành chia sẻ: “Nếu chúng ta chỉ nghe người khác chia sẻ, kiến thức dễ trôi qua; nhưng khi chúng ta giải thích lại một cách đơn giản, chúng ta có thể ghi nhớ sâu sắc hơn”.

Ngoài ra, hình thức học tập “Microlearning” (mỗi ngày học một chút) cũng là một trong những yếu tố sáng tạo của dự án, giúp người học dễ dàng tiếp cận kiến thức AI dù thời gian hạn hẹp. Tại đây, mỗi ngày các thành viên dành ít nhất 15 phút để tìm hiểu và thực hành ứng dụng AI. Mọi chia sẻ và đóng góp của thành viên đều được ghi nhận, đánh giá và phản hồi qua hệ thống chatbot AI hiện đại, giúp người học nhận thấy sự tiến bộ của bản thân.

Với một tầm nhìn xa trong tương lai, Lê Công Thành không chỉ tạo ra một dự án mà còn ấp ủ một giấc mơ lớn: Đến năm 2025, “Bình dân học AI” sẽ chạm tới hàng triệu người lao động Việt Nam, lan tỏa tri thức AI khắp mọi miền Tổ quốc.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, dự án đã tổ chức các lớp học AI miễn phí, mời các tình nguyện viên có chuyên môn hướng dẫn người học. Ngoài ra, dự án “Luyện AI” cũng đang hỗ trợ học bổng toàn phần cho gần 1.000 người tham gia chương trình học, cam kết sẽ dạy lại cho ít nhất 100 người khác sử dụng thành thạo AI.

Dự án còn dành sự quan tâm cho mọi lứa tuổi như: Học sinh, sinh viên, người cao tuổi hay những người đang đi làm đều có thể tham gia với phương pháp học phù hợp. Với học sinh Trung học phổ thông khi tham gia dự án thì có sự giám sát của giáo viên. Đối với người cao tuổi, nhóm hưu trí muốn học AI để tiếp cận tri thức mới, dự án có đội ngũ hỗ trợ tận tình, giúp họ dễ dàng sử dụng công cụ hiện đại này.

Là một doanh nhân với kinh nghiệm khởi nghiệp lâu năm, anh Lê Công Thành hiểu rằng, thành công không chỉ nằm ở việc phát triển doanh nghiệp mà còn ở trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng.

Anh cho rằng: "Doanh nhân Việt Nam hiện nay đứng trước vận hội lớn của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta có nguồn lực dân số trẻ, được sống trong hòa bình, thịnh vượng và có thể học hỏi công nghệ tiên tiến nhất từ AI. Đây là cơ hội để người Việt Nam chạm đến nền kinh tế số, vươn mình đến những thị trường có giá trị kinh tế cao”.

“Bình dân học AI” đã và đang tạo ra một làn sóng mới, làn sóng của sự tự tin, của trí tuệ và của lòng kiên trì. Giống như phong trào “Bình dân học vụ” từng giúp hàng triệu người dân thoát khỏi mù chữ, “Bình dân học AI” đang giúp người lao động Việt Nam xóa bỏ những rào cản công nghệ, tiếp cận với tri thức của thời đại.

Theo qdnd.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Giáo dục giới tính cho học sinh

Giáo dục giới tính cho học sinh

Những năm gần đây, giáo dục giới tính cho học sinh tại các trường phổ thông được các nhà trường quan tâm, triển khai thông qua chương trình học chính khóa và các buổi ngoại khóa. Qua đó nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh, giúp các em tích lũy kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.

Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục

Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Chỉ thị tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, quản lý tài chính, tài sản, thiết bị trường học, các khoản huy động xã hội hóa, quản lý nội trú, bán trú, bảo đảm an ninh, an toàn trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Đưa pháp luật đến với học sinh biên giới

Đưa pháp luật đến với học sinh biên giới

Những năm qua, các trường học trên địa bàn biên giới đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần giúp học sinh hình thành ý thức, thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

fbytzltw