Với hơn 8.000 lễ hội mỗi năm, chủ yếu tập trung trong dịp đầu năm mới, không thể phủ nhận lễ hội là một hoạt động văn hóa, tinh thần quý giá của người dân được hình thành trong quá trình lịch sử. Có lễ hội diễn ra trong một vài ngày, có lễ hội diễn ra cả tháng như lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)... Bên cạnh việc tôn vinh những “hình tượng thiêng”, những vị thần, người có công với đất nước, với cộng đồng… lễ hội còn được xem là điểm tựa tâm linh và khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nói đến lễ hội - tức bao hàm cả phần lễ và phần hội. Sau nghi lễ bao giờ cũng là phần hội. Nếu như phần Lễ là phạm trù trang nghiêm, biểu hiện cho lòng thành kính của con người trước các đấng linh thiêng, thì Hội chính là phần biểu hiện cho sức sống và tinh thần vui sống của con người. Hội là dịp để đông đảo người dân có cơ hội trực tiếp tham gia thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần, giao lưu cố kết cộng đồng… Người dân tham gia lễ hội, vừa để bày tỏ lòng thành kính với các đấng linh thiêng, vừa để nhập cuộc phần hội, để được vui chơi, qua đó được tái tạo năng lượng cho cuộc sống tiếp theo.
Ảnh minh họa.
Mỗi cộng đồng, làng xã có nét riêng, Hội cũng là dịp ôn lại, diễn lại, nhắc nhớ những điển tích, truyền thống để từ đó nhân lên niềm tự hào, sáng tạo và lan tỏa bản sắc. Tất cả những hoạt động lễ và hội ấy với sắc thái văn hóa riêng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc. Hơn thế, tổ chức tốt phần Hội cũng chính là một cách thu hút, phát triển du lịch, giới thiệu quảng bá, lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy thế, những năm gần đây, khi xã hội phát triển mang tính mở, đặc biệt khi internet và mạng xã hội phát triển, thì quy mô các lễ hội cũng ngày càng được mở rộng cả về không gian và thời gian. Nhiều lễ hội không còn là lễ hội làng, mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng, thậm chí là liên vùng, với sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Không gian lễ hội còn được mở rộng thành “siêu không gian” với sự tương tác của các hoạt động truyền thông. Và điều này hẳn nhiên sẽ làm nảy sinh nhiều hiện tượng phức tạp, đòi hỏi phải nhìn nhận lại công tác quản lý và đặt ra yêu cầu về xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử trong lễ hội cho phù hợp với bối cảnh mới.
Công bằng nhìn nhận, trong vài năm trở lại đây, với những biện pháp quyết liệt từ Trung ương tới cơ sở, những biến tướng của lễ hội đã dần được chấn chỉnh. Nhiều lễ hội đã rút ngắn thời gian từ 3-5 ngày thành 1-2 ngày. Cùng với đó, để dễ bề quản lý, nhiều hoạt động phần hội đã bị cắt bỏ, chỉ chú trọng phần lễ. Tuy nhiên, không ít các ý kiến chuyên gia bày tỏ băn khoăn, làm như vậy liệu có “bên trọng-bên khinh” giữa lễ và hội?
Đơn cử như câu chuyện Lễ hội Phết Hiền Quan. Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) mới đây đã có văn bản gửi UBND xã Hiền Quan về việc tạm dừng phần đánh Phết bởi lo sẽ không đảm bảo được tình hình an ninh trật tự trước một lễ hội với sự tham gia của quá đông người như vậy.
Trong khi chúng ta đều biết, lễ hội Phết Hiền Quan là một lễ hội truyền thống đặc sắc lâu đời, được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa Công chúa - một nữ tướng có công chiêu mộ binh sĩ, xả thân giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Hoạt động “đánh phết” để tưởng nhớ hoạt động luyện quân khi xưa của bà, minh chứng cho ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm mưu trí chống quân xâm lược của dân tộc ta. Có thể coi “đánh phết” là phần cốt lõi, là phần chính liên quan đến sự tích lễ hội. Nếu cắt bỏ đi liệu lễ hội có còn nguyên tính chất?
Không chỉ riêng lễ hội Phết Hiền Quan, rất nhiều lễ hội khác như lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Trần (Nam Định), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) hay lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)... cũng vậy, để tiện cho công tác quản lý người ta đã cắt đi nhiều phần hội. Đồng tình rằng, những tiêu cực, biến tướng về lễ hội như mê tín dị đoan, đốt vàng mã vô tội vạ, dịch vụ bát nháo tại lễ hội, hay hiện tượng du khách chen lấn, giành giật... cần phải được nhận diện và loại bỏ. Cũng đồng tình rằng quản lý lễ hội là một yêu cầu hết sức cấp bách, lễ hội là một đặc thù nên quản lý lễ hội cũng đòi hỏi những kỹ năng đặc thù. Tuy nhiên, để tránh “sự phức tạp” mà cắt bỏ đi phần “hội” liệu có nên chăng?
Không quản được thì cấm. Không quản được thì thắt chặt, bóp nghẹt… Đó chưa bao giờ là một tư duy đúng - trong bất cứ lĩnh vực nào. Quản lý nghiêm, nhưng mục tiêu tối thượng vẫn phải là ý thức, là sự tự nguyện chấp hành của người dân. Và lễ hội - trước hết phải vì cộng đồng, hướng đến cộng đồng.
Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa: “Lễ hội là dịp, là không gian để người dân tham dự chứ không phải chỉ để người dân đứng ngoài nhìn vào rồi bình phẩm”. Hiểu được điều này - thật khó thay!!!