Sinh con đầu lòng nên chị Thào Thị Dù ở thôn Tả Tà Lé (xã Trung Lèng Hồ) chưa có kinh nghiệm chăm con, tuy nhiên chị được cô đỡ thôn, bản Lầu Thị Xua đến tận nhà giúp đỡ, nhiệt tình tư vấn, chỉ bảo chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách.
Sau khi được tuyên truyền, vận động về “1.000 ngày vàng của bé” và cách nuôi con khoa học, chị Dù không còn bón nước cơm cho con khi 2 tháng tuổi mà cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Khi con được 6 tháng, chị bắt đầu cho con tập ăn dặm, ăn từ ít đến nhiều với những bữa ăn đầy đủ các nhóm chất.
Cô đỡ thôn, bản Lầu Thị Xua (xã Trung Lèng Hồ) cho biết: Những kiến thức về “1.000 ngày vàng của bé” sẽ giúp các bà mẹ nhận thức được việc chăm sóc hợp lý cho trẻ trong những năm đầu đời có tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là vai trò của sữa mẹ đối với trẻ ngay sau sinh và trong giai đoạn 6 tháng tuổi. Do đó, tôi đã tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cho chị em trong thôn.
Cùng với đó, tôi tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế như thống kê, theo dõi phụ nữ trong thôn mang thai; vận động chị em đến Trạm Y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở y tế để sinh con; tuyên truyền tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi...
Trong năm 2023, Trạm Y tế xã Trung Lèng Hồ đã tổ chức tư vấn cho 240 lượt phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi (1.000 ngày đầu đời); tổ chức thực hành dinh dưỡng tại 18 điểm thôn với 270 người tham gia; 100% bà mẹ mang thai được uống đa vi chất… góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ trên địa bàn xã.
Năm 2023, xã có 39/261 trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm 14,9% (giảm 0,56% so với năm 2022); số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 62/261 trẻ, chiếm 23,7% (giảm 0,67% so với năm 2022).
Tại xã Quang Kim, đều đặn mỗi tháng 2 lần, rất đông bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi đưa trẻ đến Trạm Y tế xã để trẻ được đo chiều cao, cân nặng và mẹ được hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ trong những năm đầu đời.
Để thực hiện đạt hiệu quả, Trạm Y tế xã Quang Kim đã triển khai cụ thể, chuẩn bị đầy đủ danh sách trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi, bố trí các điểm cân, đo chiều cao, khám kiểm tra sức khỏe cho trẻ theo đúng quy trình.
Ông Trần Văn Đoan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Kim cho biết: Để đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi được cân, đo, kiểm tra sức khỏe, trạm tổ chức theo từng thôn, tránh tình trạng bỏ sót trẻ. Bên cạnh đó là làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi về lợi ích của bổ sung vitamin A, nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn cách sử dụng và chế biến hợp lý các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng có sẵn tại địa phương và có lợi cho sự phát triển về thể lực, trí lực của trẻ…
Huyện Bát Xát hiện có 7.722 trẻ trong độ tuổi 0 đến dưới 16 tuổi. Hết năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân toàn huyện là 12,85%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi là 22,93%.
Trong năm, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức tư vấn dinh dưỡng “1.000 ngày đầu đời” cho 3.360 lượt phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh và bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi; tổ chức 336 buổi hướng dẫn nấu thức ăn cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi cho 5.040 người; tổ chức 20 buổi tư vấn dinh dưỡng, phòng thiếu vi chất dinh dưỡng tại trường học cho hơn 1.300 người; cấp sản phẩm dinh dưỡng để phục hồi trẻ suy dinh dưỡng thấp còi từ 6 - 59 tháng tuổi cho 1.461 trẻ; cấp sản phẩm dinh dưỡng để phục hồi trẻ suy dinh dưỡng thấp còi từ 5 đến dưới 16 tuổi cho 2.591 trẻ.
Huyện Bát Xát đã triển khai mô hình “1.000 ngày đầu đời” tại 9 xã: Cốc Mỳ, Phìn Ngan, Y Tý, A Lù, Nậm Chạc, Trung Lèng Hồ, Nậm Pung, Dền Thàng, Sàng Ma Sáo. Qua đó, giúp nâng cao, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Để từng bước giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, chính quyền các cấp và các ngành trên địa bàn huyện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; tiến hành kiểm tra định kỳ hằng quý tại các xã để có kết quả chính xác; phối hợp với các nhà trường thực hiện các chương trình cải thiện bữa ăn cho học sinh; phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các bà mẹ thực hiện bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ.
Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ đạt kết quả cao hơn, cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng, nhất là tại các thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; cung cấp đầy đủ và kịp thời các dịch vụ y tế; quản lý tốt phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ…