Diện tích chè sụt giảm mạnh
Huyện Bảo Yên có tiềm năng phát triển cây chè. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 560 ha chè kinh doanh, tập trung nhiều tại xã Xuân Hòa và xã Lương Sơn. Công ty TNHH Chè Đại Hưng đang liên kết sản xuất với các hộ trồng chè trên địa bàn huyện, với công suất nhà máy đạt 5 tấn chè búp tươi/ngày. Đây là đơn vị đầu tiên sản xuất chè Ô long của tỉnh với sản lượng lớn và sản lượng chè khô hằng năm đạt hơn 500 tấn, doanh thu hơn 50 tỷ đồng.
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn, giá thu mua giảm. Mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng hoạt động để duy trì liên kết nhưng đời sống của người dân chủ yếu trông chờ vào cây chè nên khi thu mua với giá thấp hơn bình thường khiến họ bị giảm thu nhập đáng kể, dẫn đến tình trạng nhiều hộ chặt bỏ hoặc trồng xen cây quế vào diện tích chè. Bởi vậy, diện tích chè đã giảm từ 756 ha (năm 2019) còn 559 ha (hiện nay).
Trong thực tế, cây chè vẫn là cây trồng hiệu quả, do vậy huyện Bảo Yên vẫn định hướng duy trì và khôi phục vùng nguyên liệu chè tập trung. Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Bảo Yên phấn đấu đến năm 2025 phát triển vùng nguyên liệu chè hơn 800 ha; cải tạo, thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng chè, phấn đấu đưa sản lượng chè búp tươi đạt hơn 7.200 tấn.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Bảo Yên phấn đấu đến năm 2025 phát triển vùng nguyên liệu chè hơn 800 ha; cải tạo, thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng chè, phấn đấu đưa sản lượng chè búp tươi đạt hơn 7.200 tấn.
Bám sát định hướng này, nhiều xã, trong đó có xã Lương Sơn tiếp tục chủ trương duy trì và phát triển bền vững diện tích chè. Bà Nguyễn Vân Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn cho biết: Những năm qua, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện rà soát quy hoạch vùng chè, tổng hợp nhu cầu trồng dặm, trồng mới của người dân, đồng thời vận động người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; liên kết với công ty thực hiện thâm canh theo hướng VietGAP và bao tiêu sản phẩm. Từ một xã khó khăn, nhờ phát triển cây chè đã giúp xã Lương Sơn trở thành xã phát triển của huyện Bảo Yên…
Còn đó những khó khăn
Thực tế từ trước đến nay, cây chè vẫn được gọi là cây xóa đói, giảm nghèo, là cây trồng cho người nghèo. Quan điểm đó với những giai đoạn trước là phù hợp và cần thiết. Nhưng giai đoạn hiện nay đã khác, đời sống của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Do vậy, người dân có xu hướng ưu tiên trồng các cây có giá trị cao, thu hoạch trong thời gian ngắn (dù thu nhập trung bình năm vẫn tương đương cây chè). Trong triển khai thực hiện, nếu cây chè được người dân quan tâm đầu tư, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật thì thu nhập từ cây chè cũng rất cao. Tuy nhiên, phương thức và kỹ thuật canh tác, sản xuất chè của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, sản xuất vẫn thuận theo tự nhiên, khâu chăm sóc còn hạn chế nên năng suất so với các địa phương khác còn thấp.
Tại huyện Bảo Yên, cây quế đang phát triển rất nhanh và “sức nóng” từ cây quế đã lấn át rất nhiều cây trồng khác. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân khôi phục và phát triển cây chè không thuận lợi như trước.
Khó khăn khác là hiện nay trên địa bàn huyện mới có 1 công ty sản xuất, kinh doanh chè, do vậy chưa tạo ra sự cạnh tranh để thúc đẩy phát triển cây chè. Sản phẩm sau chế biến trên chưa đa dạng, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị thấp. Đối với thị trường nội tiêu, các sản phẩm mặc dù đã được đầu tư bao bì, nhãn mác, một số sản phẩm chè của Công ty TNHH Chè Đại Hưng đã được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao nhưng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn yếu và chưa được đầu tư đúng mức nên sản lượng bán ra chưa nhiều, giá bán chưa cao.
Hiện nay mới có một số diện tích chè đạt chứng nhận VietGAP, chưa có chứng nhận hữu cơ để đi vào thị trường các nước thu nhập cao và chưa có tổ chức hợp tác xã làm trung gian trong chuỗi liên kết sản xuất.
Để cây chè phát triển bền vững
Theo bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc cải tạo, trồng dặm bổ sung mật độ chè mất khoảng, tập trung thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiếp tục mở rộng (trồng lại, trồng mới) 240 ha đối với nơi có điều kiện; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho diện tích chè kinh doanh; trồng chè mới theo hướng hữu cơ.
Huyện Bảo Yên sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc cải tạo, trồng dặm bổ sung mật độ chè mất khoảng, tập trung thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiếp tục mở rộng đối với nơi có điều kiện; áp dụng VietGAP cho diện tích chè kinh doanh; trồng chè mới theo hướng hữu cơ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, cải tạo, thay thế giống chè già cỗi, năng suất thấp bằng những giống mới có năng suất, chất lượng cao (Kim Tuyên, Tứ Quý...). Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân trồng chè và thực hành sản xuất chè bền vững sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo Chương trình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (IPM, ICM). Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu, tăng tỷ trọng chế biến chè xanh, chè Ô long phục vụ xuất khẩu. Đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước như chè Ô long (xuất khẩu Đài Loan), chè đen (xuất khẩu châu Âu), chè matcha (xuất khẩu Nhật Bản)...
Huyện Bảo Yên đang tập trung quản lý vùng nguyên liệu chè, tích cực tuyên truyền người dân mở rộng vùng nguyên liệu theo Chỉ thị 04 ngày 13/9/2022 về tăng cường công tác quản lý, khôi phục và mở rộng vùng nguyên liệu chè trên địa bàn huyện. Nghiên cứu trồng xen cây chè với cây mắc ca để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất canh tác, đồng thời duy trì, bảo vệ vùng nguyên liệu chè đang mất khoảng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về thâm canh, tăng năng suất đối với cây chè, duy trì 100% diện tích chè kinh doanh đã được cấp chứng nhận VietGAP, định hướng trồng mới chè theo hướng hữu cơ, đồng thời khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả lao động và giá trị sản xuất...