Nhiều hộ dân tại Bảo Yên có thu nhập cao từ cây quế.
Huyện Bảo Yên hiện có hơn 25.000 ha quế, chiếm trên 30% diện tích đất tự nhiên của huyện, chiếm ½ và đứng đầu diện tích quế của tỉnh Lào Cai. Cây quế được trồng phân bố ở tất cả 17/17 xã, thị trấn. Mỗi năm, địa phương xuất ra thị trường khoảng 156.000 tấn cành - lá, gần 78.000 tấn vỏ tươi và gần 70.000m3 gỗ, doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng.
Cạnh đó, huyện Bảo Yên có 21 cơ sở ươm, sản xuất giống quy mô hàng chục héc-ta tại các xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Lương Sơn đã được tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận, năng lực sản xuất trung bình khoảng 3 tấn hạt giống/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu về giống của người trồng quế trên địa bàn.
Quế ở Bảo Yên chủ yếu là giống quế gốc vùng Văn Yên (Yên Bái) và Bắc Hà (Lào Cai); với đặc thù địa hình của địa phương, quế được trồng mật độ trung bình 5000 cây/ha, trong 3-4 năm đầu trồng xen với cây sắn, hoặc dưới tán rừng nên hàng năm được làm cỏ chăm sóc; từ năm thứ 4 bắt đầu tỉa cành lá tận thu.
Với điều kiện tự nhiên của huyện Bảo Yên có hệ thống sông suối phong phú, nguồn nước sạch, các vùng đệm không có các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao; người dân chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống nên đây là lợi thế để phát triển quế hữu cơ trong tương lai gần.
Xã Xuân Hòa có 21 thôn, thì tất cả các hộ dân đều trồng quế, với khoảng 2.500 ha, chiếm 70% diện tích cây trồng trên địa bàn xã. Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Chúng tôi đăng ký sẽ có 500 ha được cấp chứng chỉ quế hữu cơ vào năm 2025. Sản xuất quế hữu cơ sẽ nâng giá trị cây quế lên khoảng 30% so với thông thường và thị trường tiêu thụ ổn định (xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ), người dân địa phương đang rất hào hứng. Hiện chính quyền xã đang tích cực vận động, tuyên truyền để bà con địa phương thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng phương thức canh tác mới đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất quế hữu cơ cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
Huyện Bảo Yên hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, trong đó có 6 đơn vị sản xuất chế biến tinh dầu với quy mô từ nhỏ đến trung bình (chủ yếu ở dạng thô), chỉ có 1 đơn vị vừa hoàn thiện lắp đặt dây chuyền chế biến tinh dầu tinh là Công ty TNHH Triều Dương và 1 đơn vị chế biến vỏ quế. Trữ lượng hàng năm khoảng 30.000 tấn vỏ và 48.000 tấn cành lá (24 tấn dầu); các nhà máy trên địa bàn đang hấp thụ 48.000 tấn cành lá; tư thương trong và ngoài tỉnh 8.500 tấn vỏ khô (tương đương 26.000 tấn tươi).
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: Mặc dù diện tích quế hiện tại của Bảo Yên tương đối lớn nhưng khâu tổ chức sản xuất chế biến vẫn chưa được tối ưu, việc sản xuất còn tự phát thiếu liên kết từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, kế hoạch khai thác và bán sản phẩm. Đồng thời, hiện vẫn chưa có liên kết sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ khâu cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm cho ngành hàng này. Bên cạnh đó, Bảo Yên cũng chưa có diện tích quế đạt chứng nhận hữu cơ, do vậy, giá thành sản phẩm chưa cao, sản phẩm chưa tiếp cận được các thị trường cao cấp như Mỹ, EU. Tuy nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng chưa có diện tích nào được chứng nhận sản xuất hữu cơ hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp tốt khác, và công tác quảng bá, xúc tiến thương mại còn yếu nên thu nhập từ giá trị của cây quế chưa thực sự xứng với tiềm năng địa phương...
Cũng bàn về cây quế của huyện, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Quế là loại cây trồng lâm nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, nhưng để phát triển bền vững, địa phương đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm từng bước xây dựng thương hiệu quế hữu cơ Bảo Yên. Với hơn 25.000 ha quế hiện có, huyện đã mời các doanh nghiệp vào nghiên cứu, thực hiện quy trình quế hữu cơ, định hướng từ nay đến 2025 xây dựng 5.000 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Bảo Yên đang quy hoạch phát triển cho cây quế, tránh việc người dân phát triển ồ ạt không đúng quy hoạch, xâm lấn vào diện tích rừng khác. Cũng từ các chính sách hỗ trợ của huyện, một số doanh nghiệp đã tìm đến đầu tư lâu dài với mục tiêu chế biến sâu các sản phẩm từ quế.
Nói về định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên chia sẻ: Đến 2030 toàn huyện phấn đấu đạt 30.000 ha (tăng 5000 ha so hiện tại); bình quân hàng năm trồng mới khoảng 2000 ha. Trong đó, có 1.000 ha trồng diện tích mới; 1000 ha trồng luân canh. Triển khai thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn hỗn loài xen cây quế trồng mới nhằm phát triển bền vững rừng trồng, tăng sự đa dạng sinh học rừng trồng, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.
Đồng thời, địa phương sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để có chứng nhận quế hữu cơ tiêu chuẩn EU cho 5000 ha đến năm 2025 và 15.000 ha năm 2030; toàn bộ 100% tích quế được quản lý, giám sát, tư vấn kỹ thuật bằng nhật ký điện tử QGS cho tất cả các khâu từ giống đến khi đưa vào chế biến.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Nguyễn Anh Dũng, toàn bộ người dân trồng quế được vận động trở thành thành viên của tổ hội nghề nghiệp và HTX; sử dụng các dịch vụ HTX và là mắt xích liên kết quan trọng trong ngành hàng quế. Thu hút, hỗ trợ để có tối thiểu 3 nhà đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ quế; đặc biệt là chế biến tinh dầu tinh, vỏ quế và gỗ quế. Hình thành tối thiểu 10 điểm du lịch trải nghiệm tại rừng quế; thu hút khoảng 1 triệu lượt khách/năm.
Các nhà khoa học, có nghiên cứu để có chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo cấp độ tuổi và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để tiết kiệm chi phí phân bón do bón mất cân đối; giảm thiểu tác động tiêu cực đến lý hóa đất; tăng nhanh sinh khối, tích lũy tinh dầu nhưng đảm bảo các chỉ số hữu cơ theo yêu cầu. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xem xét có mô hình trồng quế xen cây trồng khác, để canh tác bền vững, nhưng vẫn đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy; đưa sản phẩm quế Bảo Yên lên sàn giao dịch điện tử, chỉ đạo các ngành tổ chức các buổi giới thiệu trực tiếp kết hợp trực tuyến để quản bán sản phẩm quế của Lào Cai với các bạn hàng quốc tế...
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, từ lâu quế được biết đến là cây lâm nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi ha quế cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tấn vỏ quế khô, 10 - 15 tấn lá và cành (dùng chưng cất tinh dầu, định mức khoảng 200 kg cho 1 lít dầu), 80 - 100 m3 gỗ. Mỗi chu kỳ canh tác 1ha quế đem lại nguồn thu từ 700 triệu trở lên. Cây quế không những đem lại giá trị kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no cho người dân mà còn góp phần giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cho các địa bàn vùng cao, miền núi.