Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo tổng hợp về thiệt hại và công tác cứu trợ dân sinh, khắc phục hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Thông tin về tác động của cơn bão số 3 tới thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước khi cơn bão số 3 xảy ra, thị trường lao động Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực sau các ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 và các yếu tố kinh tế bất ổn toàn cầu. Tuy nhiên, với sức tàn phá nặng nề của cơn bão sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của nước ta trong thời gian tới.
Trước tiên, ngành công nghiệp tại các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão gặp khó khăn lớn. Nhiều khu công nghiệp và nhà máy phải ngừng hoạt động do mất điện kéo dài, cơ sở hạ tầng bị hư hại, hoặc không có nguyên liệu sản xuất vì các tuyến giao thông bị gián đoạn.
Nhiều lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất và lắp ráp tại các tỉnh, thành phố phải tạm nghỉ việc do nhà máy ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, đẩy chi phí sản xuất lên cao, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động.
Ngành nông nghiệp cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Mưa lớn kéo dài và ngập lụt đã phá hủy diện tích lớn hoa màu, cây trồng và làm chết nhiều gia súc, gia cầm, khiến hàng chục ngàn hộ nông dân mất nguồn thu nhập chính.
Lao động nông nghiệp ở các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp phải đối mặt với nguy cơ mất việc tạm thời hoặc giảm thu nhập do mất mùa và thiệt hại về tài sản.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người nông dân mà còn tạo ra sức ép lớn lên thị trường lao động nông thôn, buộc nhiều người phải tìm kiếm công việc tạm thời hoặc chuyển đổi ngành nghề trong thời gian phục hồi.
Bên cạnh đó, lao động phi chính thức (bao gồm lao động tự do, lao động thời vụ và những người làm việc trong các ngành dịch vụ nhỏ lẻ như bán hàng, sửa chữa, du lịch…) cũng chịu tác động mạnh mẽ từ cơn bão.
Khi các hoạt động kinh doanh bị đình trệ, nhiều lao động không chính thức mất việc làm ngay lập tức mà không có bất kỳ hình thức bảo hiểm xã hội nào. Nhóm lao động này vốn đã bấp bênh trước thiên tai và nay đối mặt với việc mất thu nhập kéo dài, dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng và áp lực lên hệ thống an sinh xã hội của các địa phương.