Do thiếu hiểu biết về giá trị của chè Shan cổ thụ nên tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Si Ma Cai thời gian qua xảy ra tình trạng người dân chặt bỏ cây để làm củi, khai phá làm nương. Một số hộ còn bán cả cây.
Trước nguy cơ giống chè quý ngày càng giảm về số lượng, ngày 14/12/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Si Ma Cai ban hành Chỉ thị 33 về việc tăng cường công tác bảo tồn và phát triển chè Shan cổ thụ Si Ma Cai với những định hướng, lộ trình cụ thể, mục đích không chỉ bảo tồn mà còn phát huy giá trị kinh tế, giúp người dân vùng chè thoát nghèo.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai được UBND huyện giao nhiệm vụ quản lý vùng chè cổ thụ. Đơn vị đã kiểm tra, rà soát, thống kê thực tế diện tích, số lượng cây và xây dựng phương án, kế hoạch bảo tồn, khai thác.
Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Trung tâm phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn triển khai khoanh vùng và tích cực tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá cây chè, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến thành các sản phẩm.
Việc bảo tồn chè cổ thụ cũng gặp nhiều khó khăn do cây được trồng phân tán, địa hình vùng chè chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở. Chính vì vậy, huyện chỉ đạo các địa phương đưa cây chè cổ thụ vào quy ước, hương ước của thôn để bảo vệ.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: Thời gian qua, huyện đã chủ động thu hút, kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư công nghệ chế biến để tạo ra các sản phẩm từ cây chè Shan cổ thụ. Việc làm này không chỉ góp phần bảo tồn mà còn phát huy giá trị quần thể cây chè, đánh thức tiềm năng du lịch trải nghiệm, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.