Ông Đào Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền người dân rà soát diện tích đất ruộng không chủ động nước tưới, diện tích đất màu, nương đồi bỏ hoang, chưa canh tác để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp. Thực hiện cải tạo đồng ruộng, tích tụ ruộng đất tạo thuận tiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác.
Chè là cây trồng chủ lực của huyện Bảo Thắng, huyện đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân phối hợp, liên kết với doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Toàn huyện hiện có 509 ha chè, sản lượng ước đạt 1.669,5 tấn/năm. Trên địa bàn huyện có Công ty Cổ phần Phong Hải đã liên kết sản xuất, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho nông dân.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Hải cho biết: Công ty đã và đang triển khai một số giải pháp ổn định cho vùng nguyên liệu, như cung ứng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, phân bón trả chậm cho người dân; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản chè búp tươi cho người dân. Công ty cũng đầu tư thêm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến và cải tiến bao bì sản phẩm trà. Nhờ vậy, các đơn hàng của đơn vị không ngừng tăng.
Nhờ những giải pháp trên, hiện cây chè Bát tiên và Phúc vân tiên đang trồng tại thị trấn Nông trường Phong Hải đã và đang giúp các hộ có thu nhập khá. Trung bình mỗi lứa chè cho sản lượng từ 5 - 6 tạ/ha, mỗi tháng thu từ 2 - 3 lứa; giá bán chè búp tươi từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, cho thu từ 15 - 18 triệu đồng/ha/tháng.
Cùng với chè, cây quế cũng được huyện chú trọng. Các đơn vị chuyên môn của huyện tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc quế theo hướng hữu cơ. Huyện cũng tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất các sản phẩm quế, từ đó nâng giá trị gia tăng ngành hàng quế.
Hiện trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 5 cơ sở chế biến tinh dầu quế và các sản phẩm từ quế phục vụ xuất khẩu. Bảo Thắng cũng thu hút, tạo điều kiện để 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ quế. Các doanh nghiệp không chỉ tiêu thụ nguyên liệu cho hơn 9.000 ha quế tại địa phương mà còn góp phần tiêu thụ phần lớn sản lượng quế trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Bảo Thắng đã rà soát các sản phẩm chủ lực và có tiềm năng để quy hoạch vùng hàng hóa tập trung. Các xã, thị trấn đã đưa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa vào kế hoạch năm, làm cơ sở triển khai thực hiện. Các ngành hàng chủ lực, tiềm năng được các xã, thị trấn xác định rõ và định hướng xây dựng kế hoạch phát triển bền vững.
Huyện chỉ đạo các xã rà soát tổng thể diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn, diện tích canh tác nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng phương án tư vấn cho người dân chuyển đổi sang các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao. Năm 2023, các xã, thị trấn đã chuyển đổi 115 ha đất trồng ngô, sắn, vườn tạp kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như chè, chuối, dứa, quế, cây ăn quả và rau màu. 5 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã chuyển đổi 28 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây chủ lực, tiềm năng theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Từ đầu năm đến nay, huyện thu hút được 10 dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Thông qua thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành và mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển thương hiệu, như vùng trồng chè 509 ha (tại các xã Phú Nhuận, Bản Cầm, thị trấn Nông trường Phong Hải); vùng chuối 411 ha (ở xã Bản Cầm, thị trấn Nông trường Phong Hải); vùng dứa 297 ha (tại các xã Bản Phiệt, Thái Niên, Bản Cầm); 9.100 ha quế (tại các xã Phú Nhuận, Sơn Hải, Trì Quang, thị trấn Nông trường Phong Hải...); vùng rau 778 ha (tại Gia Phú, Sơn Hải, Thái Niên, Phong Niên, thị trấn Phố Lu); 514 ha bưởi (tại các xã Thái Niên, Xuân Quang, Phong Niên); hơn 159 ha na (tại Xuân Quang, Thái Niên, Phong Niên); 859 ha nuôi thủy sản (tại các xã Phong Niên, Phú Nhuận, Trì Quang, thị trấn Nông trường Phong Hải...).
Đến nay, huyện đã phát triển được 6 sản phẩm hàng hóa đặc trưng (bưởi Múc, na Xuân Quang, quế, cá chép lai, gà vườn đồi, đào cảnh Xuân Quang); có 39 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp trên 1 ha đất canh tác ước đạt 57,6 triệu đồng.