Truyền thống nghề làm hương
Ngày nay, hơn 300 gia đình làm hương trong làng Quảng Phú Cầu vẫn gắn bó với nghề truyền thống này và chăm chỉ với công việc này. Làng hương Quảng Phú Cầu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở Hà Nội còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ đến nay.
Nằm ở phía nam Hà Nội, làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu nhìn từ xa trông giống như bãi biển biển đỏ rực. Trong khoảng sân rộng ở mỗi gia đình làm nhang, hàng vạn nén hương xếp thành từng bó – giống như những chùm hoa màu đỏ tía, màu hạt dẻ hoặc màu hồng ngọc – được phơi khô dưới ánh nắng gay gắt giữa trưa. Cảnh quan trông rất bắt mắt và hấp dẫn.
"Hầu hết người dân ở Quảng Phú Cầu đều làm nhang. Chúng tôi thậm chí phải thuê cả nhân công từ những nơi khác đến giúp", một nghệ nhân của làng nghề nói khi đang quan sát dãy hương đỏ rực đầy mê hoặc trước mắt.
Vào những ngày lễ, phong tục thắp hương nhang đã trở thành một nét truyền thống lâu đời không thể thiếu của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong các ngôi chùa Phật giáo. Làn khói hương bay ra phảng phất, thay lời cầu xin thịnh vượng và an lành trong cuộc sống.
Người dân làng Quảng Phú Cầu đã làm nhang ở đây hơn một thế kỷ. Trung bình mỗi tháng, những người thợ làm hương ở "khu tiểu thủ công nghiệp này" sẽ sử dụng khoảng 200 tấn nguyên liệu và sản xuất ra 50 tấn hương.
Một nghệ nhân làm hương lâu đời của làng nghề cho biết, ông đã bắt đầu làm hương từ khi 6 tuổi. Làng nghề trông giống như vẽ lên màu sắc nhuộm đỏ đầy mê hoặc, thu hút khoảng 500 lượt khách mỗi ngày vào cuối tuần.
Trước đây, những người thợ trong làng phải chẻ các thanh gỗ để làm hương theo phương pháp thủ công, nhưng ngày nay hầu hết đều sử dụng máy móc.
Giá trị cốt lõi hàng trăm năm
Hương thơm của nhang đến từ sự kết hợp của các thành phần bao gồm trầm hương, tuyết tùng, ngải cứu, hoắc hương, hương thảo và quế. Mùi hương được điều chỉnh để phù hợp với các vùng khác nhau của đất nước. Sau khi hoàn thành sản phẩm, nhang được bán khắp Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
"Khách hàng lớn nhất của chúng tôi đến từ Ấn Độ, Nepal và các nước châu Á khác", người dân làng Quảng Phú Cầu cho biết.
Tùy thuộc vào kinh nghiệm, người lao động có thể kiếm được từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng Việt Nam mỗi tháng. Làng nghề có hơn 300 gia đình làm nhang quanh năm và đặc biệt bận rộn trước mỗi dịp Tết Nguyên đán khi hầu hết các ngôi chùa trên cả nước đều tấp nập du khách.
"Tôi năm nay đã 71 tuổi nhưng vẫn làm nhang hương. Tôi đã làm công việc này được 60 năm rồi kể từ khi tôi mới hơn 10 tuổi. Tôi có bốn đứa con – ba trai và một gái. Gia đình tôi có 4 người làm nhang. Nghề này có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi. Nhờ nghề này mà nhiều người biết đến làng của chúng tôi và chúng tôi có thể duy trì nghề làm hương cho các thế hệ mai sau", một nghệ nhân lâu đời của làng nói.
Bà Phan Thị Thu Hằng, một nghệ nhân làm hương khác cho biết bà thường chia khoảng 200kg nhang thành từng bó nhỏ nặng khoảng 2-3kg, sau đó nhúng vào bột nhão, sấy khô và bán. Tuy nhiên, theo bà Hằng "nghề làm hương không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn có ý nghĩa tâm linh".
Từ xa xưa, người dân Việt Nam có niềm tin vững chắc vào thế giới của những người đã mất và phong tục thờ cúng tổ tiên. Mỗi ngôi nhà đều có một bàn thờ và thường được thắp hương, dâng lễ vật và hoa.
Theo thời gian, thu nhập từ nghề làm hương cũng phần nào giảm sút nhưng với những nghệ nhân trong làng nghề Quảng Phú Cầu nói rằng họ vẫn đam mê với nghề và chưa từng nghĩ nghề làm hương sẽ mất đi.
"Thắp nén nhang tưởng nhớ cha mẹ, tổ tiên đã khuất là yếu tố cốt lõi trong đời sống tâm linh của người Việt Nam", một nghệ nhân nói.
Người dân Việt Nam thường thắp hương để tưởng nhớ tổ tiên vào những dịp đặc biệt bao gồm các ngày lễ, giỗ, đoàn tụ gia đình và Tết Nguyên đán.
"Cái gì đã trở thành truyền thống thì không thể mất đi. Tổ tiên chúng tôi đã duy trì truyền thống này hàng ngàn năm rồi", trang SCMP trích dẫn lời của một nghệ nhân làm hương nước ta.